Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 03/11/2022 23:001320
Sáng ngày 03 tháng 11 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét để làm rõ nội dung quy định tại khoản 4, Điều 13 về các hành vi bị nghiêm cấm “4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất”, bởi theo đại biểu Phương tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Theo quy định này, điều cấm của luật cần quy định rõ không cho phép chủ thể thực hiện hành vi nào?
Tại khoản 4 Điều 86 dự thảo Luật có quy định về tiêu chí, điều kiện thu hồi đất đối với dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn “Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn gồm dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; …”.
Nhưng tại điểm đ, e khoản 1 Điều 89 dự thảo Luật (Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người), gồm “d) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người …;
e) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; các loại đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng;
Đại biểu Phương đề nghị xem xét quy định tại 02 nội dung này có sự trùng lắp hay không để xác định rõ trong trường hợp này thì sẽ được Nhà nước quyết định thu hồi đất theo trường hợp để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86 dự thảo Luật) hay thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người theo (Điều 89 dự thảo Luật).
Tại Điều 89 về thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đại biểu Phương đề nghị cần có Nghị định quy định rõ hơn đối với trường hợp người dân tự nguyện trả lại đất (điểm c khoản 1), để tránh phân lô, tách thửa tràn lan và phải phù hợp quy hoạch. Nếu không thì nhà nước chỉ thu hồi đất, nhưng sử dụng như thế nào là do nhà nước quy định không theo mục đích trong đơn trả lại đất của người dân. Bởi có trường hợp người dân trả lại đất để thực hiện các công trình công cộng, phục vụ lợi ích chung là một việc làm tốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, một số thành phần lợi dụng quy định này trả lại đất cho nhà nước bằng cách tự tạo ra con đường đi vào giữa thửa đất nông nghiệp, mục đích là để chia nhỏ thửa đất ấy ra làm nhiều lô để bán đất.
Đại biểu Phương cũng đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 105 dự thảo và gộp nội dung tại Điều 105 vào Điều 98 dự thảo Luật với tên Điều là “Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” nhằm để đảm bảo nội dung quy định tại điều này được chặt chẽ, rõ ràng.
Về điều kiện để Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất
Tại điểm n khoản 1 Điều 134 dự thảo, quy định “n) Giao đất, cho thuê đất cho tổ chức kinh tế bị thu hồi đất sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 85 và Điều 86 của Luật này mà tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn sử dụng đất và tổ chức có nhu cầu sử dụng đất tại vị trí khác để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.” Theo đại biểu Phương quy định này được hiểu Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, pháp luật về đầu tư hiện nay chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các trường hợp đã có dự án đầu tư mà thuộc diện được tiếp tục sản xuất, kinh doanh như quy định ở điểm n khoản 1 đã nêu. Điều này dẫn tới việc khi thực hiện trên thực tế, chủ đầu tư các dự án bị di dời, không biết phải thực hiện thủ tục gì (có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư không?). Đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để có sự điều chỉnh phù hợp.
Tại khoản 2 Điều 234 quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã “tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình... ”. Đề nghị cân nhắc việc quy định hòa giải tranh chấp đất đai là một thủ tục bắt buộc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi tranh chấp của các chủ thể được hòa giải ở UBND cấp xã nhưng đại biểu Phương băn khoăn liệu rằng cán bộ công chức cấp xã có đủ kỹ năng, trình độ để giải quyết chưa? Hiện nay, công tác hòa giải ở địa phương, ở các cấp chính quyền và ở các cấp tòa án chưa thực sự được coi trọng và áp dụng triệt để còn mang tính hình thức.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tại tổ
Bên cạnh đó, không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện ra Tòa. Tranh chấp đất đai là việc tranh chấp dân sự nên tôn trọng quyền tự quyết trong việc lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp, có thể lựa chọn 01 trong 02 cách, khởi kiện ra tòa có hòa giải tại tòa và quá trình xét xử cũng có thủ tục hòa giải thành.
Tại điểm c khoản 2 Điều 234 quy định “Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. ....”. Đại biểu Phương đề nghị bỏ cụm từ “có chữ ký của các bên” vì Biên bản hòa giải có chữ ký của các bên khi áp dụng thực tế sẽ gặp phải vướng mắc, có trường hợp 01 trong các bên tranh chấp có tham dự hòa giải nhưng không ký biên bản hòa giải hoặc không tham gia hòa giải.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại khoản 1 Điều 235 dự thảo“việc tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…”. Đại biểu Phương đề nghị nghiên cứu bổ sung việc giải quyết tranh chất đất đai theo hình thức “tố tụng hình sự”, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
Ngoài ra, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất giao cho TAND giải quyết là phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ cấp có thẩm quyền cấp sai thửa, sai diện tích; trùng thửa cấp chồng lấn... thường Tòa án không thụ lý với lý do không thuộc thẩm quyền và hướng dẫn người dân về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ để giải quyết phần sai trên rồi mới thụ lý. Từ đây quá trình phức tạp, kéo dài thời gian, chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn đến bức xúc của người dân đi đến khiếu nại, tố cáo nhiều vụ việc không được giải quyết dứt điểm. Đại biểu Phương đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền của TAND cùng cấp phải thụ lý giải quyết trên cơ sở hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý đất đai của UBND cùng cấp nếu không có cơ sở thì tuyên hủy bỏ, thu hồi hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ do phần sai sót của cơ quan nhà nước quản lý nhà nước cấp sai.
Liên quan đến điều kiện được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Phương đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến “điều kiện được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất”, bởi việc bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất chỉ thấy dự thảo Luật quy định về “Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất” tại Điều 110 dự thảo Luật và để đảm bảo sự thống nhất, tương thích với nội dung quy định liên quan bồi thường về đất, chi phí đầu tư còn lại vào đất tại Mục 1, Chương VII dự thảo Luật.
Liên quan đến thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở thương mại, đại biểu Phương cho rằng đây là vấn đề phức tạp, vì thực tế để nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân, dẫn đến việc thực hiện theo ý chủ quan của 01 bên, tạo thành hình thức “da beo” trong khu vực thực hiện dự án, điều này thực tế đã xảy ra; mặt khác trong trường hợp nhà đầu tư do có mục đích khác, bằng mọi giá thỏa thuận đạt 100% với người dân, giá đất cao hơn bình thường từ 2-3 lần; làm cho thị trường bất động sản không lành mạnh (giá ảo) gây khó khăn cho việc thực hiện dự án phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…do đó, đề nghị quy định cụ thể trong luật chỉ thực hiện hình thức đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện dự án nhà ở, thương mại.
Thanh Trung (lược ghi)