Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến – Tây Ninh phát biểu thảo luận tại tổ liên quan đến việc xem xét mở rộng quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ năm - 03/11/2022 23:00 50 0

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến – Tây Ninh phát biểu thảo luận tại tổ liên quan đến việc xem xét mở rộng quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam ở nước ngoài

Tại điểm a khoản 1 Điều 17, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị nghiên cứu, bổ sung thu hồi đất vì mục đích đối ngoại/ngoại giao, bởi theo quy định của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao (Điều 21) và Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự (Điều 30) mà Việt Nam là thành viên quy định Nước tiếp nhận cần phải hoặc tạo điều kiện dễ dàng để Nước cử đi có được trên lãnh thổ và phù hợp với luật pháp Nước tiếp nhận, trụ sở cần thiết cho cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự hoặc giúp Nước cử đi có trụ sở bằng một cách khác. Trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài là bất khả xâm phạm. Theo quy định của hai Công ước trên và trên thực tế nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang bố trí đất làm trụ sở cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam. Việc bố trí đất làm trụ sở cho một số cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, nhất là đối với diện tích đất lớn đặt ra vấn đề nhà nước có thể phải thu hồi đất (một phần hoặc toàn bộ). Do đó, cần nghiên cứu bổ sung trường hợp thu hồi đất vì mục đích đối ngoại/ngoại giao. ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu thảo luận tại tổ Về xử lý đất ngoại giao khi không còn nhu cầu sử dụng, tại điểm d khoản 1 Điều 208 dự thảo Luật quy định tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao “Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng phải chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam và được bổi hoàn theo quy định của pháp luật” nhằm ưu tiên chuyển nhượng nhà, đất ngoại giao cho Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Tiến đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định này cho phù hợp hơn, cụ thể “Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng thì ưu tiên chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam và được bổi hoàn theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế giữa hai bên nếu có”. Vấn đề tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo đại biểu Tiến, Luật Đất đai của một số nước trên thế giới (nhất là Trung Quốc), đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có việc tạo điều kiện để kiều bào được hưởng các quyền và nghĩa vụ như người dân trong nước.  Đại biểu Tiến cho biết thêm về kết quả các cuộc Tọa đàm trực tuyến kết hợp trực tiếp trong khuôn khổ chuyên đề giám sát của Ủy ban Đối ngoại về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, nhiều đại biểu đại diện Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (tại Pháp, Đức, Anh, Nga, Séc, Ba Lan, Hungary…) và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đều đề nghị xem xét mở rộng quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.  Tại khoản 3 Điều 58 dự thảo Luật về giao đất có thu tiền sử dụng đất trong đó quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê”, còn muốn thực hiện các mục đích khác thì không được giao đất mà chỉ được thuê đất. Đại biểu Tiến đề nghị nghiên cứu mở rộng mục đích sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được Nhà nước giao đất, thay vì phải thuê đất như tại dự thảo Luật.   Vấn đề tiếp cận quyền sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam, theo quy định tại dự thảo Luật (Điều 6) thì người nước ngoài không thuộc đối tượng người sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014. Đại biểu Tiến cho rằng cần cho phép những đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cũng thuộc đối tượng được cấp quyền sử dụng đất do nhà ở là tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất và để bảo đảm sự tương thích giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Theo đại biểu Tiến nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở lớn (đứng thứ 5 ở châu Á theo đánh giá của Fitch Solutions năm 2022), ngày càng có nhiều cá nhân nước ngoài đến làm việc, sinh sống lâu dài và có nhu cầu sở hữu nhà ở, đất tại Việt Nam, trong đó có các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao. Việc hạn chế quyền sử dụng đất đối với người nước ngoài có thể sẽ hạn chế sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các đối tượng này.   Vấn đề tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định tại Điều 201 dự thảo Luật, tổ chức kinh tế trong nước thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm có quyền “Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 209 dự thảo Luật thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm thì không có quyền này. Đại biểu Tiến cho rằng việc đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn, quy định như tại dự thảo Luật chưa bảo đảm nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.  Về quỹ phát triển đất, tại Khoản 2 Điều 105 dự thảo Luật quy định “Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Mục đích của Quỹ phát triển đất là nhằm tiếp nhận và ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy định. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do ngân sách địa phương còn hạn hẹp, không đủ để bố trí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện nhiệm vụ này thì lại rất khó thực hiện vì chưa có cơ chế tiếp nhận khoản hỗ trợ này từ doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Tiến đề nghị quy định cụ thể hơn “các nguồn khác theo quy định của pháp luật”, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định có tính nguyên tắc về việc tiếp nhận, xử lý khoản hỗ trợ từ khu vực tư nhân cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Thanh Trung (lược ghi)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay3,666
  • Tháng hiện tại40,669
  • Tổng lượt truy cập898,024
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây