Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 02/11/2022 16:006720
Chiều ngày 01 tháng 11 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Góp ý đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất sự cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Thái đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận để cho ý kiến, các nội dung dự thảo Luật cũng còn rất nhiều nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh để làm rõ để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới hiện nay, các nội dung còn rất nhiều điểm quy định mang tính chung chung, chưa rõ, chưa cụ thể hóa, khó thực hiện; chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác, còn có sự xung đột.
Cùng góp ý đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 2 giải thích từ ngữ đối với từ “sự cố”, dự thảo quy định “sự cố” là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh, có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Tuy nhiên, theo từ điển Tiếng Việt sự cố chỉ một hiện tượng bất thường không hay xảy ra trong quá trình nào đó hoặc là nguyên nhân dẫn đến tai nạn hay sự cố hư hỏng phạm vi ảnh hưởng không lớn, rất nhỏ thôi; như vậy, theo đại biểu Phương sự cố này không cần làm phòng thủ dân sự.
Liên quan đến các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự, tại Khoản 7, Điều 30 có quy định được huy động lực lượng, phương tiện các cấp tiến hành các biện pháp khẩn cấp, kịp thời cứu chữa và đưa người ra khỏi khu vực thảm họa. Đại biểu Phương đề nghị bổ sung khoản 7 điều này vào các cấp độ 1, 2, 3, 4 tương ứng với các Điều 25, 26, 27, 28; lý do là ở cấp độ trước đó khi chúng ta hạn chế thảm họa có thể dẫn đến thảm họa thì chúng ta vẫn có quyền sử dụng biện pháp này, nếu không quy định có tình huống xảy ra thì rất khó khăn trong quá trình huy động.
Theo đại biểu Phương, vấn đề nữa là hiện nay trên xu thế thế giới, đặc biệt là an ninh phi truyền thống thảm họa thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn, vấn đề nhận được sự quan tâm của các nước lớn. Việt Nam chúng ta cũng không loại trừ chúng ta ngày càng quan tâm chặt chẽ và liên kết chặt chẽ, trong đó hiện nay chúng ta có liên kết vùng miền, liên kết địa phương để thực hiện phát triển kinh tế. Đại biểu Phương đề nghị là nên nghiên cứu bổ sung hành lang pháp lý trong luật này về vấn đề phối hợp liên kết vùng trong phạm vi phòng thủ dân sự để khi có vấn đề khó, tình huống xảy ra có sự thống nhất, đồng bộ, tránh chuyện là khi xảy ra rồi phối hợp rất khó liên kết, rất khó không thể tổ chức thực hiện được.
Góp ý đối với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thái thống nhất với phương án 2, đó là giữ nguyên tên gọi của Luật Hợp tác xã, vì vẫn đảm bảo được tính bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các mô hình hợp tác xã và không làm phát sinh các chi phí xã hội, hệ lụy phát sinh do điều chỉnh tên gọi của pháp luật.
ĐBQH Phạm Hùng Thái phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Thái nhận thấy trong dự thảo Luật hợp tác xã có một số điểm quy định là nó chưa có tương thích, chưa đồng bộ, thống nhất một số luật khác đang có hiệu lực. Cụ thể ở Khoản 19, Điều 4 của dự thảo luật quy định về vốn góp, phần vốn góp thì chưa tương thích, chưa có phù hợp quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo đại biểu Thái, Luật Hợp tác xã cũ có 03 vấn đề, yếu tố quan trọng mà ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mô hình hợp tác xã trong thời gian qua, nhưng trong sửa đổi của dự thảo luật lần này chưa được rõ lắm để khắc phục, phát huy vai trò của mô hình hợp tác xã.
Thứ nhất, các quy định về chế độ hạch toán, kế toán, đại biểu Thái thống nhất theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu quy định rõ hơn cho phù hợp, có tính khả thi các nội dung liên quan đến chế độ hạch toán kế toán của hợp tác xã. Bởi lẽ, trên thực tế hoạt động của các hợp tác xã thời gian qua đang rất khó và vướng nhiều, nhất là do không có người đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ để thực hiện chế độ hạch toán, kế toán đảm bảo theo các quy định.
Mặt khác, các mô hình Hợp tác xã không giống nhau, nhất là đối với các mô hình hợp tác xã nông nghiệp các hợp tác xã quy mô nhỏ ở nông thôn để đòi hỏi một nhân viên, một người có đủ trình độ đại học chuyên ngành tài chính kế toán để làm kế toán, làm nhiệm vụ hạch toán kế toán và hợp tác xã rất khó khăn.
Bên cạnh đó, quy định chế độ hạch toán kế toán của mô hình hợp tác xã giống như hạch toán kế toán của doanh nghiệp, của công ty, một tổ chức kinh tế khác lớn, quy mô lớn thì không phù hợp, không đáp ứng được. Do vậy, đại biểu Thái đề nghị cần phải có cơ chế, quy định rõ hơn để tạo điều kiện cho Hợp tác xã có điều kiện để hoạt động phù hợp với thực tế.
Thứ hai, về hoạt động tín dụng, đề nghị cần phải quy định rõ hơn về cơ chế, về điều kiện cần thiết cho phù hợp với mô hình Hợp tác xã, tạo điều kiện cho Hợp tác xã được tiếp cận các nguồn lực khác để phát triển. Cụ thể quy định rõ hơn điều kiện để Hợp tác xã được vay vốn ngân hàng, các gói hỗ trợ thông qua hệ thống ngân hàng Nhà nước thì cách thức, cơ chế gì để hợp tác xã được vay vốn? Tài sản của hợp tác xã là tài sản chung của các thành viên của hợp tác xã, góp chung lại bây giờ thế chấp cho ngân hàng thế chấp như thế nào? cơ chế pháp lý của tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn như thế nào? cần phải quy định, cơ chế cho rõ hơn về đặc thù của mô hình tài sản thế chấp của hợp tác xã khác như tài sản của doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Thái đề nghị cần phải tháo gỡ chỗ này thì hợp tác xã mới có điều kiện tiếp cận được vốn vay của ngân hàng để phát huy nguồn lực, để đầu tư, để có thể phát triển được vốn nội tại của các thành viên hợp tác xã có thể chỉ ở mức phạm vi đó không có về khả năng phát triển lớn mạnh hơn.
Thứ ba, về tổ chức đại diện Liên minh Hợp tác xã, đây là vấn đề rất quan trọng cần phải quy định cụ thể hơn, rõ hơn về vai trò, địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh và của Trung ương, làm sao để phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã đối với hoạt động của hệ thống hợp tác xã, để các tổ chức kinh tế hợp tác thật sự là khẳng định được vai trò của mình và hoạt động có hiệu quả giới vai trò là thành phần của nền kinh tế, chỗ của các thành phần kinh tế.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho biết dự án luật trình Chính phủ trình lần này thi gồm có 12 chương, 111 điều, bãi bỏ 3 điều, sửa đổi, bổ sung 65 điều, bổ sung 49 như vậy. Về mặt chương so với Luật hợp tác xã năm 2012 chương, 64 điều, chương thì tăng ít nhưng các điều khoản cụ thể tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người đang làm Hợp tác xã mấy chục năm nhưng đọc luật này không hiểu, đề nghị ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhớ dễ thực hiện thì mới sát với yêu cầu đời sống của người dân, luật mới đi vào cuộc sống.
Liên quan đến quản lý nhà nước về Hợp tác xã tại Khoản 1, Điều 106, Liên minh hợp tác xã Việt Nam hoạt động theo Nghị định về Hội và chỉ có duy nhất Nghị định 45 năm 2010. Đại biểu Phương cho rằng quy định này rất lạc hậu và đã được đề nghị sửa nhiều lần nhưng chưa được chỉnh sửa. Đại biểu Phương nêu thực tế hiện nay cán bộ được điều từ chỗ khác về tổ chức Liên minh Hợp tác xã giống như bị kỷ luật vì đang có phụ cấp chức vụ, đang có phụ cấp công vụ, các loại phụ cấp nhưng khi đến công tác ở Liên minh Hợp tác xã thì bị cắt. Cán bộ, công chức không được thi nâng cấp, chuyển ngạch, nâng ngạch vì không có quy định; đại biểu Phương đặt vấn đề, vậy không biết những người đang công tác đó là như thế nào, cũng không phải là cán bộ, công chức, rất thiệt thòi.
Đại biểu Phương đề nghị cần đánh giá lại các tổ chức Liên minh Hợp tác xã cấp trung ương và tỉnh, quy định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ cho rõ ràng, mới phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể được theo đúng quan điểm của Nghị quyết 20 năm Trung ương 5.
Thanh Trung (lược ghi)