Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội

Thứ sáu - 28/10/2022 00:00 68 0

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội

Ngày 27 tháng 10 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Tây Ninh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình tại kỳ họp, đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật đạt được của nền kinh tế trong năm 2022, đại dịch Covid-19 được đẩy lùi một cách cơ bản, vững chắc trên phạm vi cả nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá được kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra, vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư toàn xã hội tăng cao, với chất lượng ngày càng tốt hơn; xuất khẩu tăng nhanh, xuất siêu đạt mức cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm; đời sống nhân dân và người lao động được bảo đảm và từng bước cải thiện; chuyển đổi số trong nền kinh tế bước đầu đạt được một số thành tựu quan trọng; công nghiệp chế biến, chế tạo có bước bứt phá mới; dịch vụ được phục hồi, phát triển đóng góp vào GDP với mức độ cao; giáo dục - đào tạo, y tế vẫn đạt được những kết quả, có những mặt tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Phương nhận định tình hình kinh tế xã hội năm 2022 cũng còn những hạn chế, khuyết điểm như việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhất là đối với gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, hỗ trợ mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách; nhiều quy định còn thủ tục rườm rà; giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn nhiều năm chưa khắc phục triệt để, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra, mặc dù ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt; đời sống của người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang còn gặp không ít khó khăn, nhất là ở cơ sở do từ tháng 7 năm 2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng trên dưới 4%, đại biểu Phương cho rằng đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch của nhiều lao động, cán bộ công chức có tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cao từ khu vực công sang khu vực tư trong thời gian qua và đang có chiều hướng gia tăng; tình trạng "thổi giá" đất tạo cơn sốt ảo ở phạm vi rộng trên cả nước, tình trạng chậm tháo gỡ trong cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; các vụ cháy vẫn còn xảy ra nhiều, có vụ gây ra hàng chục cái chết thương tâm; tình trạng lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng gia tăng mạnh ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, buôn bán ma túy và các chất cấm có phần nghiêm trọng hơn.  ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường Qua đó, đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đại biểu Phương đề nghị:  Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và các loại dịch bệnh khác, nhằm góp phần bảo đảm an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đại biểu Phương cho rằng đây là yếu tố tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Hai là: Theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng khu vực động lực tăng trưởng trong nước, nhất là dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh vào cuối năm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai và thực hiện các chính đã ban hành trong thời gian qua; đánh giá đúng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, xem xét cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển nền kinh tế trong dài hạn. Công khai, minh bạch các thông tin về công tác điều hành giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả, không điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý, theo đại biểu Phương đây là yếu tố tác động làm gia tăng lạm phát. Ba là: Phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ, để giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, các địa phương cần chủ động nắm bắt những vướng mắc trong cơ chế và tháo gỡ theo thẩm quyền; kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền, bảo đảm cho việc hấp thụ vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất. Bốn là: Phát huy và khai thác tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại nhằm tiếp tục duy trì vững chắc khả năng chống chịu, thích ứng linh hoạt của khu vực này. Bởi theo đại biểu Phương trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đã xuất hiện xu thế bảo hộ trong nước, sức mua tiêu dùng, vấn đề việc làm, thu nhập của người dân các nước trên thế giới sẽ suy giảm sâu do tác động bởi áp lực lạm phát tăng cao, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh hơn tại các nền kinh tế lớn, ảnh hưởng dứt quãng bởi chuỗi cung ứng sản xuất, dịch vụ toàn cầu; ngoài ra căng thẳng và xung đột địa chính trị tại các khu vực sẽ dẫn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế dài hạn trên toàn thế giới. Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng sẽ hình thành hình thái kinh tế mới thay thế cho các hình thái kinh tế đang có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn trong hợp tác đa phương. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần bám sát thực tế này để chủ động có giải pháp thích ứng linh hoạt, đảm bảo nền kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta trong hội nhập kinh tế giai đoạn mới. Trước mắt, tiếp tục tập trung vào khai thác các Hiệp định thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Đặc biệt, phấn đấu thu hẹp khoảng cách giá trị xuất khẩu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời,  giảm dần gia công cho nước ngoài trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác, quan tâm việc nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu hiện nay, trong đó chú ý biện pháp nâng cao năng lực nhập khẩu du lịch. Năm là: Nâng cao hơn nữa tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đại biểu Phương nhận định thực tế cho thấy dù nguồn lực dồi dào đến đâu nhưng thiếu sự quản lý một cách hiệu quả cũng không thể tạo ra bước đột phá phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành của cả hệ thống chính trị, tạo nên tính năng động, sáng tạo và hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước. Thanh Trung (lược ghi)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập27
  • Hôm nay528
  • Tháng hiện tại74,136
  • Tổng lượt truy cập931,491
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây