Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 02/12/2022 16:002700
Để chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh (kỳ họp cuối năm), sáng ngày 01/12/2022, tại phòng họp Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra quyết toán NSĐP năm 2021, dự toán và phương án phân bổ NSĐP năm 2023 trình kỳ họp.
Bà Nguyễn Thị Yến Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban chủ trì. Tham dự có bà Nguyễn Đài Thy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh; thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng một số sở, ngành có liên quan.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính đã trình bày các dự thảo nghị quyết về Phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; dự thảo nghị quyết về Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023; dự thảo nghị quyết về Phê chuẩn phân bổ ngân sách địa phương năm 2023.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp cũng như giải trình của Sở Tài chính, Ban Kinh tế và Ngân sách cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết về quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 với tổng thu ngân sách địa phương là 14.665,1 tỷ đồng, trong đó thu NSNN trên địa bàn tỉnh theo dự toán HĐND tỉnh giao là 10.441,8 tỷ đồng, đạt 99,4% so với dự toán; tổng chi ngân sách địa phương là 14.632,6 tỷ đồng, tăng 26,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó chi cân đối ngân sách là 10.154,9 tỷ đồng (giảm 1,6%).
Về dự toán và phương án phân bổ NSĐP năm 2023, Ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí với những nguyên tắc bố trí, phân bổ, giao dự toán thu – chi ngân sách địa phương năm 2023 theo báo cáo của Sở Tài chính, dự kiến thu NSNN trên địa bàn là 11.000 tỷ đồng, giảm 6,2% so với ước thực hiện năm 2022 và tăng 9,8% so với dự toán 2022, trong đó thu nội địa là 9.600 đồng; dự toán thu ngân sách địa phương năm 2023 là 11.106,7 tỷ đồng, trong đó thu cân đối ngân sách địa phương là 9.679,9 tỷ đồng; dự toán tổng chi NSĐP là 11.169,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với dự toán 2022, trong đó chi cân đối ngân sách là 9.742,9 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương năm 2023: 63 tỷ đồng; chi trả nợ gốc năm 2023 các khoản vay: 7,3 tỷ đồng.
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra nội dung trình KH6 HĐND tỉnh
Nhìn chung, dự toán thu chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023 được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả ước thực hiện dự toán ngân sách năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và dự báo nền kinh tế tỉnh Tây Ninh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới (giá xăng dầu, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc tăng lãi suất); dự toán chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức phân bổ ngân sách cũng như các chế độ chính sách hiện hành, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi ngân sách, chi trả nợ lãi vay, chi đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, năm 2023 là năm đầu thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2023 – 2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các ngành, các cấp cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, điều hành ngân sách cần chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh nuôi dưỡng và khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ đất để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, tại buổi họp, Ban Kinh tế - Ngân sách còn thẩm tra Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn dự toán chưa phân bổ và nguồn phát sinh năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính năm 2022 và dự kiến Kế hoạch tài chính năm 2023 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh quản lý; Báo cáo Kê hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023 – 2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023 – nguồn ngân sách nhà nước; Nghị quyết giao vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; và các Nghị quyết phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh: Dự án Xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tây Ninh; dự án Đầu tư Trang thiết bị cho 06 Trung tâm Y tế huyện và 42 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Tây Ninh; dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Hòa Thành - giai đoạn 1; dự án Đường Đất Sét - Bến Củi; dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT.782 -ĐT.784 (từ ngã ba tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình).
Huỳnh Thảo