Cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hoạt động đầu tư công

Thứ hai - 12/12/2022 16:00 152 0

Cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hoạt động đầu tư công

Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và đối tượng đầu tư công khác. Hoạt động này là hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để đánh giá công tác quản lý, điều hành và chấp hành quy định pháp luật về đầu tư công, năm 2022, HĐND tỉnh quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát thực tế một số công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, làm việc với một số đơn vị liên quan và tiến hành giám sát đối với UBND tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 20/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn NSNN, đồng thời trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; UBND huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các đơn vị và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát các dự án đầu tư công trên địa bàn để tổng hợp đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trước khi thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nguồn vốn Ngân sách địa phương, UBND tỉnh cũng đã xây dựng, dự kiến danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trình HĐND tỉnh cho ý kiến, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm của tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 giai đoạn 2021-2025 - Nguồn vốn ngân sách địa phương và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3640/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện. Hằng năm, căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhu cầu và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của địa phương, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch vốn trình HĐND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo phân khai chi tiết để các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo quy định và thực tiễn, phù hợp tiến độ triển khai dự án, các chủ đầu tư đã giải ngân vốn và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước trên 23.745,707 tỷ đồng (tăng 49,6% so với giai đoạn 2016-2020 là 15.872,104 tỷ đồng). Tổng kế hoạch vốn đã giao trong 2 năm 2021 và năm 2022 là hơn 8.720,099 tỷ đồng, đạt 35,80% kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025, lũy kế giải ngân đến ngày 30/6/2022 là trên 5.873,238 tỷ đồng, đạt 67,35% kế hoạch. Tổng số công trình, dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này là 201 dự án, trong đó có 31 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang và 170 dự án khởi công mới, giảm 69 dự án so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chủ yếu giảm số dự án khởi công mới nhằm hướng đến đảm bảo đầu tư tập trung các dự án trọng điểm, các dự án có tính lan tỏa, kết nối vùng, không đầu tư dàn trải. Từ năm 2021 đến tháng 30/6/2022 có 115 dự án đã và đang triển khai thực hiện, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 62 dự án (trong đó: dự án chuyển tiếp là 20 dự án, dự án khởi công mới là 42 dự án), đang triển khai thực hiện 53 dự án. Các công trình, dự án đầu tư công sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả và đúng mục tiêu theo quyết định chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt. Bà Huỳnh Vương Hiếu – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày Báo cáo kết quả giám sát Trên cơ sở kết quả làm việc với UBND tỉnh, Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo, điều hành xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được triển khai khẩn trương ở tất cả các cấp, các ngành và từng bước đi vào nề nếp; việc lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã bám sát kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn, có tính đến tổng thể các nguồn lực, bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm của địa phương và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được HĐND tỉnh thông qua; việc bố trí vốn đầu tư ngày càng tập trung, hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò chủ đạo của vốn ngân sách nhà nước như một nguồn “vốn mồi” thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định, trong quá trình thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế phát sinh và khả năng cân đối vốn. Công tác chỉ đạo giải ngân vốn hàng năm được đẩy mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn hàng năm đạt khá so với mức bình quân chung cả nước; công tác quản lý, triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư công được quan tâm chỉ đạo và triển khai tích cực, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một số khó khăn, hạn chế trong xây dựng và thực hiện đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết cũng nêu rõ, tổng quy mô kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có tăng so với giai đoạn trước, chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu ngân sách, tuy nhiên so với nhu cầu phát triển của địa phương vẫn chưa như mong muốn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, nguồn vốn đầu tư công của Tây Ninh còn hạn chế so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc xây dựng và phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được thực hiện đảm bảo đúng Luật định nhưng chưa triệt để, số vốn chưa phân bổ còn khá cao (chiếm khoảng 20,1% kế hoạch), phần lớn thuộc nhóm các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; hiện tỉnh chưa ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương nên chưa đủ cơ sở để phân bổ Kế hoạch vốn trung hạn nguồn NSNN cho các Chương trình MTQG theo quy định; việc thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm; công tác đấu thầu các dự án khởi công mới, công tác đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm.  Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng vẫn còn chậm, nhiều dự án thuộc danh mục chuẩn bị đầu tư chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; công tác lập, thẩm định một số dự án còn hạn chế, có nội dung chưa chặt chẽ, phải điều chỉnh nhiều lần, thay đổi quy mô, thiết kế, tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án; việc triển khai thi công, đầu tư, xây dựng một số công trình, dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ so với kế hoạch phê duyệt do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; một số công trình đầu tư chưa đồng bộ, thiếu kết nối, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư; việc thanh toán, quyết toán một số dự án hoàn thành còn chậm; việc xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư có lúc chưa kịp thời; công tác đánh giá hiệu quả sau đầu tư của các chương trình, dự án đầu tư công còn hạn chế, chưa có quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá cụ thể; việc giám sát đầu tư của cộng đồng chưa phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, đưa vào sử dụng chưa được quan tâm đúng mức. Nghị quyết nêu rõ, những khó khăn, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga-Ucraina, tình hình biến động giá cả xăng, dầu thế giới, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân các công trình, dự án; liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và của Tây Ninh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng chưa được thuận lợi, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách; một số cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp, công tác xác định giá bồi thường chưa thống nhất gây thắc mắc, khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi.  Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý đầu tư có lúc, có nội dung còn hạn chế, thiếu quyết liệt; một số sở, ngành chưa chủ động trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương có lúc, có mặt còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình, dự án; một số chủ đầu tư chưa chủ động, nhiều dự án trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán chậm trễ, dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, nên khối lượng giải ngân thường vào cuối năm. Một bộ phận công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm công tác từ đó đã tác động và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc. Tình trạng công trình đầu tư nhanh xuống cấp, ngoài nguyên nhân từ chất lượng thi công thì phần lớn do không có nguồn vốn bảo trì các công trình hằng năm, những công trình sửa chữa lớn mới được đưa vào danh mục bố trí vốn đầu tư công; công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán đánh giá tác động môi trường quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định về cách xác định khối lượng và đơn giá. Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết HĐND tỉnh Cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hoạt động đầu tư công  Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, để công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả hơn, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công, từng cấp, từng ngành tập trung rà soát lại các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, xử lý và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nghiên cứu xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù về công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện tại địa phương. Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với những dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh đang triển khai thực hiện (như đường ĐT.782 - ĐT.784, đường Đất Sét - Bến Củi) để đảm bảo các công trình này hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả; đồng thời chủ động chuẩn bị phương án để đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án chuẩn bị thực hiện (như đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh); có giải pháp giải quyết các khó khăn, hạn chế qua giám sát đã chỉ ra đối với việc quản lý, triển khai thực hiện các công trình, dự án. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề khôi phục phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương nói riêng, trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định; bố trí mức vốn đầu tư kịp thời cho từng chương trình, dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý phù hợp với tổng mức đầu tư và cơ cấu đầu tư theo ngành và lĩnh vực, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư; chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chậm tiến độ, xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhất là công tác quản lý việc khai thác sử dụng các công trình, dự án sau đầu tư; có giải pháp hiệu quả trong việc huy động và phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật; kịp thời có giải pháp khắc phục đối với những dự án kém hiệu quả. HĐND tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả, tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp giữa năm 2023. Huỳnh Thảo

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay1,172
  • Tháng hiện tại23,300
  • Tổng lượt truy cập1,608,176
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây