Xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025: Việc thực hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn khó khăn, hạn chế, bất cập

Thứ bảy - 09/12/2023 20:54 447 0

Xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống nông thôn. Để nắm thông tin về tình hình triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đánh giá công tác triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong năm 2023, HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và tổ chức giám chuyên đề “Việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là “Chương trình”) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Theo đó, chiều ngày 08/12/2023, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Qua giám sát cho thấy, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2020 và định hướng thực hiện Chương trình của cả nước, của tỉnh, ngày 17/8/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1773/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 2025; đến ngày 22/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và ngày 08/3/2023 ban hành các Quyết định về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (bao gồm: Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao); xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành 12 nghị quyết theo thẩm quyền về phân bổ vốn thực hiện Chương trình. Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình để cụ thể hoá các chỉ tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên bố trí, giải ngân nguồn vốn để tổ chức thực hiện tại địa phương.

Kết quả thực hiện Chương trình 2021-2025 đến ngày 30/6/2023, Tây Ninh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,5% (KH: 26 xã); có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 44,4% (KH: 36 xã); 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 16,7% (KH: 12 xã); có 01 huyện (huyện Gò Dầu) đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra đạt chuẩn nông thôn mới (KH: 06 huyện); có 01 thị xã (thị xã Trảng Bàng) đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (KH: 01 thị xã). Luỹ kế từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình đến ngày 30/6/2023 (bao gồm: giai đoạn 2010 - 2020 và giai đoạn 2021-2025), Tây Ninh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 85,9% (KH: 71 xã); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 46% (KH: 37 xã); 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 16,7% (KH: 12 xã); có 01 huyện đang trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới (KH: 06 huyện); có thị xã Hòa Thành đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022, thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận (KH: 01 thành phố và 02 thị xã). Tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình 2021 – 2025 đến 30/6/2023 là 5.303.787 triệu đồng, chiếm 60,31% so với tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023, trong đó vốn ngân sách chiếm 44,82% (Ngân sách trung ương là 5,36%; Ngân sách địa phương là 32,82%), vốn lồng ghép là 6,63%, vốn tín dụng là 48,02%, vốn doanh nghiệp là 4,19 %, vốn nhân dân đóng góp là 2,97%.

Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quyết liệt của UBND và các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh, sự đồng hành của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, sự đồng thuận của Nhân dân, sự kế thừa và phát huy giá trị, thành tựu xây dựng nông thôn mới của giai đoạn trước, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực; kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tỷ lệ đạt được giai đoạn 2021-2025 có tăng cao hơn so với giai đoạn 2011-2020; nhiều địa phương đã chủ động, có cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt; Ban chỉ đạo, hệ thống các cơ quan tham mưu giúp việc được củng cố, kiện toàn; chương trình đã, đang tạo thế và lực để tỉnh Tây Ninh phát triển bền vững hơn, là kết tinh của sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân.

Có thể nói, thành quả từ việc xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội; nhiều mô hình sản xuất tập trung được hình thành; các chính sách được triển khai đã tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho sản phẩm nông nghiệp; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh và bước đầu đạt được một số kết quả, đến nay có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, thu nhập và đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện; ý thức của người dân về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao; vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát huy; niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Tuy nhiên, việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế đòi hỏi quyết tâm hơn nữa đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết HĐND tỉnh

Những khó khăn, hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết nêu rõ, so với mục tiêu giai đoạn 05 năm 2021 - 2025, việc thực hiện Chương trình còn chậm, nhất là đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (02/12 xã đạt, tỷ lệ 16,7%), huyện đạt chuẩn nông thôn mới (01/6 huyện đạt, tỷ lệ 16,7%;), thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng hiện chưa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay qua rà soát các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, có nhiều xã đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, nhưng chưa duy trì đạt chuẩn, chưa đáp ứng theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Công tác xây dựng và ban hành văn bản thực hiện, cụ thể hoá các cơ chế chính sách, một số nội dung còn chậm, có nội dung ban hành chưa phù hợp; việc triển khai một số chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới chưa kịp thời, một số chính sách mới được ban hành, mức hỗ trợ còn hạn chế, thủ tục thực hiện khá phức tạp nên đối tượng thụ hưởng ngại tiếp cận.

Việc xây dựng Bộ tiêu chí đoạn 2021 – 2025, một số tiêu chí giai do địa phương quy định chưa phù hợp với Bộ tiêu chí theo Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ tiêu 3.1, chỉ tiêu 3.2); công tác triển khai thực hiện và thẩm định, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn hạn chế, bất cập, một số chỉ tiêu, tiêu chí đã được công nhận đạt chuẩn nhưng chưa bền vững (như: Tiêu chí về y tế, trường học, nước sạch, Nghèo đa chiều; Chỉ tiêu về xã có Hợp tác xã, Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; Tiêu chí về ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng; Chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tiêu chí về quy hoạch, đường giao thông; Chỉ tiêu về xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Chỉ tiêu về Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom xử lý theo quy định; Tiêu chí về lao động).

Công tác phân bổ vốn thực hiện Chương trình còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch, tỷ lệ đạt được còn thấp, đến 30/6/2023 đạt 60,31% so với tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 và đạt 41,7% giai đoạn 2021 – 2025; nguồn vốn cần đầu tư thực hiện Chương trình là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách để thực hiện, việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân cùng tham gia đầu tư thực hiện còn hạn chế.

Những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời; Chương trình giai đoạn 2021-2025 trong một thời gian dài phải thực hiện theo tiêu chí của giai đoạn trước, sau đó Trung ương mới ban hành nhiều văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, làm cho địa phương gặp khó khăn và lúng túng trong quá trình thực hiện; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 vừa tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí, vừa tăng mức độ yêu cầu đạt chuẩn; một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định tiêu chuẩn quá cao so với tình hình thực tế địa phương nên thiếu tính khả thi.

Bên cạnh đó, công tác theo dõi và kiểm tra, giám sát việc thực các tiêu chí, chỉ tiêu và sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Chương trình theo quy định còn hạn chế, chủ yếu tập trung đối với các địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn trong năm kế hoạch, đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có nội dung còn chưa chặt chẽ, có lúc chưa chủ động, chưa kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thực hiện các chương trình, đề án, các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Ngoài những nguyên nhân trên, xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực phát triển của xã hội ở địa bàn nông thôn, đòi hỏi cần có nguồn lực tổng hợp lớn, nhưng điều kiện ngân sách của tỉnh nói chung, của từng địa phương nói riêng còn khó khăn; mặt khác, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo thực hiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người dân, cộng đồng doanh nghiệp tuy được triển khai thực hiện thường xuyên, nhưng phương thức tuyên truyền chưa thật sự đạt hiệu quả, chưa tạo sự lan tỏa, việc duy trì những mô hình thiết thực trong xây dựng nông thôn mới chưa nhiều, bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; một số nơi, chủ yếu công tác xây dựng nông thôn mới do cán bộ thực hiện, làm thay các phần việc của người dân, nên thiếu tính bền vững.

Xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực chất

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, qua giám sát, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết, trong đó đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 một cách thực chất nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân ở địa bàn nông thôn; chỉ đạo rà soát, đánh giá khả năng của các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí trước đây so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đến nay, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó nghiên cứu, cần thiết báo cáo điều chỉnh chỉ tiêu trong thời gian còn lại, bổ sung vào nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình; có giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những hạn chế, bất cập của một số tiêu chí đã nêu qua giám sát; rà soát, đánh giá điều kiện nguồn lực hiện có để tính toán, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, đảm bảo việc duy trì các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới như tiêu chí về cơ sở hạ tầng, về bảo hiểm y tế, đào tạo lao động, tạo việc làm cho người dân thoát nghèo, về thu nhập bình quân đầu người.

Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Tăng cường huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng nông thôn mới, chú trọng nguồn lực từ doanh nghiệp và từ Nhân dân; nghiên cứu có giải pháp thay đổi phương thức xây dựng nông thôn mới theo hướng Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn.

UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo HĐND tỉnh kết quả, tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp giữa năm 2024.

Huỳnh Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay2,298
  • Tháng hiện tại45,004
  • Tổng lượt truy cập1,992,615
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây