Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2023, tiếp tục ngày làm việc thứ 6 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tham gia thảo luận đối với nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất cao với Báo cáo số 550/BC-ĐGS của Đoàn giám sát về kết quả giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Thúy đồng quan điểm với các đại biểu phát biểu trước, theo đại biểu, Dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là thẳng thắn xác định trách nhiệm của Chính phủ, của bộ, ngành. Tuy nhiên, ngoài chủ thể của 03 ngành chủ trì 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư, vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp ở các địa phương trong tổ chức thực hiện”. Như vậy, trách nhiệm hầu như ngành nào cũng có và địa phương nào cũng có, bởi 03 chương trình mục tiêu quốc gia thì đan xen với nhau; cơ chế phối hợp thì chưa chặt chẽ, rời rạc; cơ chế giao trách nhiệm cũng chưa thật sự rõ. Nên theo đại biểu cơ chế này cũng làm cho việc xác định trách nhiệm cũng khó và chưa đến tận cùng, đến nơi đến chốn cho việc khắc phục.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trường
Về kiến nghị với Chính phủ các giải pháp tại điểm d khoản 2 Điều 1 của dự thảo nghị quyết. Đại biểu Thúy đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 03 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn, khó trong quá trình triển khai thực hiện. Chính vì bản thân 03 chương trình mục tiêu quốc gia này biện chứng, lồng ghép vào nhau như nhiều đại biểu đã đánh giá thì việc xây dựng chỉ tiêu cần phải hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp. Việc xác định chỉ tiêu rất quan trọng đến việc xác định nguồn vốn dự án và các bước thực hiện tiếp theo. Đại biểu Thúy cũng đề nghị trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới cần phải xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa vì theo đại biểu nhiều tiêu chí không phải thể hiện mục tiêu, ý nghĩa cần đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nông thôn mới mà đang lấy phương tiện, cách thức thực hiện để làm tiêu chí. Chính vì vậy, dẫn đến việc vừa rập khuôn, cứng nhắc cho các địa phương mà kết quả cũng còn hình thức.
Vì vậy, đại biểu Thúy đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được. Còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt đến chỉ tiêu, đơn cử như thực tế có những xã bộ mặt nông thôn mới khang trang hơn, nhưng đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn, vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; Ở một số địa phương, mặc dù tiêu chí nông thôn mới không đạt được một số chỉ tiêu nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; người dân hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Thúy cũng đề nghị phải coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là một cơ sở để đánh giá kết quả của chương trình, cũng quan tâm về sự huy động của người dân và cộng đồng dân cư tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Theo Báo cáo số 550 giai đoạn 2021-2023 có 2,5% vốn huy động từ người dân và cộng đồng đóng góp, trong khi các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể bền vững khi người dân nhận thức và coi mình là chủ thể thực hiện và lôi cuốn được người dân tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở chính cộng đồng dân cư của mình. Vì vậy, đại biểu Thúy khẳng định việc huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia phải là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng của việc xây dựng chương trình nông thôn mới bền vững.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
KC (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc