Trong phiên thảo luận sáng ngày 03/11 tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy huyện Gò Dầu có một số ý kiến góp ý đối với dự án Luật này như sau:
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34): Tại khoản 2, đại biểu Huỳnh Thanh Phương thống nhất chọn Phương án 1 “Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm không có quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê”. Theo đại biểu, phương án này vừa phát huy hiệu quả sử dụng đất và vừa giúp bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng, tránh được những rủi ro gây thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường sáng ngày 03/11/2023
Thứ hai, về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 45): tại Khoản 7, đại biểu Phương chọn Phương án 1, vì trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã phân tích ưu điểm của các phương án, dù lựa chọn phương án nào cũng sẽ có tác động lớn trong thực tế vì việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với Luật hiện hành, trước đây chưa thực hiện nên chưa có kết quả từ thực tiễn.
Đại biểu Phương cho rằng Phương án 1 đảm bảo đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích; nếu kiểm soát không chặt chẽ, tình trạng lợi ích nhóm có thể xảy ra trong việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 76)
Đại biểu Phương nhận thấy vẫn chưa có quy định để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân. Đó là, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai thì có trách nhiệm bồi thường không, xử lý ra sao, thực hiện như thế nào? Do vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về nội dung này.
Đồng thời, tại khoản 9 Điều 76, đại biểu Phương lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, không quy định về nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cho địa phương chủ động thực hiện trên cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
Đồng thời, việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng được coi là các dự án trọng điểm của địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại; và hình thành nên những khu đô thị với trung tâm tài chính, thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch đến với địa phương. Đây cũng là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, theo đại biểu Phương việc quy định thu hồi, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch là cần thiết trong Luật Đất đai.
Mặt khác, theo đại biểu Phương quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại dịch vụ. Nhưng hiện còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này nên dẫn đến những ách tắc trong việc phát triển các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí và tổ hợp giải trí đa năng. Cụ thể, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch hoặc dịch vụ có thể thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 25/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Tuy vậy, một trong những điều kiện để thực hiện đấu thầu đó là dự án phải thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, Luật Đất đai không có quy định về thu hồi đất để phát triển các dự án du lịch. Đây là vướng mắc chính trong việc phát triển dự án du lịch. Do vậy, việc quy định thu hồi đất và thực hiện đấu thầu đối với các dự án du lịch, thương mại dịch vụ là xuất phát từ yêu cầu thực tế.
KC (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc