Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thứ ba - 16/01/2024 07:34 106 0

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 15/01/2024, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý 03 vấn đề liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thứ nhất, dự thảo Luật chưa có các quy định về một số các chủ thể có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động thanh toán không bằng tiền mặt nhưng không phải là tổ chức tín dụng. Hiện nay, có một số nhóm chủ thể không phải là tổ chức tín dụng nhưng có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động thanh toán không bằng tiền mặt chưa được đề cập trong dự thảo. Đại biểu Thúy cho biết, tính đến ngày 26/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép cho 50 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng không phải là ngân hàng. Các chủ thể này có thể được chia làm 02 nhóm: (1) dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử; (2) dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán.

Các chủ thể này có vị trí, vai trò và mục tiêu rất khác nhau và trong thời gian qua thì hoạt động cung ứng của các chủ thể này rất phát triển tại Việt Nam, chẳng hạn như: VN PAY, NAPAS,…đại biểu cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng phải khẳng định vị trí của các chủ thể này trong văn bản luật cụ thể. Bởi lẽ, chỉ khi có vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể thì mới xác định được chủ thể bị tác động bởi các rủi ro pháp lý, phân định yếu tố lỗi và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi khách hàng sử dụng dịch vụ.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trường chiều ngày 15/01/2024

Thứ hai, đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có xu hướng giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng qua từng giai đoạn để hạn chế thấp nhất những biến động kinh tế-xã hội. Về vấn đề này, đại biểu Thúy hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại của Ban soạn thảo.

Tuy nhiên, khi giảm tỷ lệ này, cần phải dự liệu và giải quyết được các khó khăn có thể gặp phải, chẳng hạn như: môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn, ở Indonesia tỷ lệ này là 20% và 25%,…Bên cạnh đó, dự thảo hiện nay còn mở rộng phạm vi người có liên quan, điều này đồng nghĩa với việc nhóm người có liên quan sẽ nhiều hơn. Quy định này mặc dù sẽ hạn chế được các rủi ro khi cấp tín dụng cho nhóm đối tượng mang tính “hệ sinh thái” nhưng đây cũng sẽ là quy định làm khó cho tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động cấp tín dụng.

Đồng thời, việc quy định việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng theo lộ trình là quy định rất tiến bộ. Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các tổ chức tín dụng theo tổng vốn tự có, với mỗi nhóm, tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng sẽ khác nhau. Bởi lẽ quy mô vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay liên tục gia tăng và có sự phân hoá giữa các ngân hàng thương mại. Do đó, không nên cào bằng, áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả ngân hàng thương mại, chẳng hạn như tỷ lệ 10% hay 15% trên quy mô vốn như VP Bank, Vietcombank có số vốn lên đến 80.000 tỷ đồng là con số rất lớn, dẫn đến rủi ro về thanh khoản cho khoản tín dụng đó và giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn của tổ chức tín dụng.

Thứ ba, quy định về vấn đề xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng: Nội dung này đại biểu Thúy hoàn toàn thống nhất với chủ trương Luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và tháo gỡ được các vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết này. Bởi lẽ, khi các quy định này được ban hành thì việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã có nhiều tiến triển tích cực, đảm bảo được phần nào quyền lợi của các bên, thúc đẩy sự chủ động thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý nợ xấu đã giảm thiểu được tình trạng cố tình “chây ì”, không hợp tác của khách hàng. Đại biểu cho rằng nợ xấu ngân hàng không phải là vấn đề thời điểm,  mà là thường trực và gần như gắn liền với quá trình hoạt động ngân hàng. Việc luật hoá các quy định về nợ xấu, về quyền thu giữ tài sản, về quyền ưu tiên thanh toán,…sẽ là nền tảng quan trọng để xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo nên một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.

Dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của các Cơ quan chức năng trong từng điều khoản của Luật sẽ tạo hành lang vững chắc cho chính các nhân sự tại cơ quan này khi hỗ trợ Tổ chức tín dụng thu hồi nợ,…Tuy nhiên, đại biểu Thúy kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm để hoàn thiện Luật và các văn bản dưới luật về các vấn đề mà hiện nay dư luận quan tâm, chẳng hạn như: quy định pháp luật về tố tụng phải được chỉnh sửa theo hướng rút ngắn thời gian xử lý, tinh gọn các thủ tục hành chính; về điều kiện khoản nợ đủ điều kiện thu giữ, đề xuất bỏ nội dung giới hạn là món nợ đang không bị tranh chấp được thụ lý bởi Toà án. Bởi vì có thể khách hàng sẽ lợi dụng quy định này tạo các tranh chấp giả để trì hoãn và ngăn cản quá trình thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.

TTR

(lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay9,625
  • Tháng hiện tại52,609
  • Tổng lượt truy cập1,003,693
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây