Chiều ngày 26 tháng 10 năm 2023, ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở, do hết thời gian phát biểu nên đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh có một số ý kiến góp ý bằng văn bản đối với dự án Luật Nhà ở như sau:
Thứ nhất, về Chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở được quy định tại khoản 6, Điều 4, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung từ “đầu tư” sau cụm từ “bố trí diện tích đất”, nhằm đảm bảo thể hiện đầy đủ hơn trách niệm của UBND cấp tỉnh trong phát triển nhà ở, đó là thông qua kêu gọi đầu tư, thông qua nguồn ngân sách của tỉnh để đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở của công nhân các khu, cụm công nghiệp, đồng thời, đảm bảo phù hợp với yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở quy định tại Điều 5 Luật này.
Thứ hai, về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam tại khoản 1, Điều 19, đại biểu Thúy đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam vì theo đại biểu là quá lớn như: sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; sở hữu không quá 250 căn nhà”. Đại biểu Thúy đề nghị:
Một là, không quy định người nước ngoài được phép mua nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam vì nhà là tài sản gắn liền với đất, sở hữu nhà gắn liền với sở hữu quyền sử dụng đất mà đất đai là sở hữu toàn dân tức là dân Việt Nam;
Hai là, quy định như khoản 1, điều 19 thì số lượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà chung cư hoặc nhà riêng lẻ như vậy là quá lớn. Trong thực tế là sẽ dẫn đến trường hợp tổ chức cá nhân người nước ngoài sẽ đầu cơ về nhà ở tại Việt Nam và bán lại hoặc cho thuê lại với giá cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người Việt Nam có nhu cầu thực sự. Vì vậy, đề nghị xem xét hạ mức tỷ lệ sở hữu nhà của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc nghiên cứu có các hình thức ràng buộc khác nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Thứ ba, về di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư (tại khoản 4, Điều 73, dự thảo quy định: “4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi quyết định di dời đến các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc diện phải di dời và công khai quyết định này trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương”. Theo đại biểu, để địa phương kịp thời công khai theo quy định, đề nghị Ban soạn thảo cần thiết bổ sung nội dung quy định cụ thể về thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định di dời đến các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc diện phải di dời và thời gian công khai quyết định này trên các phương tiện thông tin.
Thứ tư, về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại điểm a khoản 1, Điều 89, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định đối với những trường hợp bán lại nhà ở xã hội thì đối tượng mua lại cũng phải đảm bảo đúng đối tượng quy định tại Điều 76 dự thảo luật này. Bởi Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở có điều kiện, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được mua mà chỉ có những đối tượng quy định tại Điều 76 về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và tránh trường hợp nhiều đối tượng lợi dụng vào chính sách của Nhà nước để đầu cơ về nhà ở xã hội, sau đó bán lại để thu lợi nhuận rất nhiều, từ đó làm cho chính sách nhà ở xã hội mà Nhà nước dành cho một số nhóm đối tượng đặc thù không đúng như ý nghĩa ban đầu.
Thứ năm, về hình thức phát triển nhà ở xã hội tại Điều 80, điều này có đưa ra 2 phương án cho đại biểu lựa chọn. Đại biểu Thúy cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của các cấp Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động. Theo đó, việc quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đối tượng đoàn viên công đoàn là phù hợp với vị trí, vai trò của cơ quan này. Đồng thời, sẽ tạo cơ hội để công đoàn tăng cường uy tín của tổ chức với công nhân, khả năng tập hợp, đoàn kết công nhân, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Do đó, đại biểu Thúy chọn phương án 1 và đề nghị phải nhấn mạnh quy định này là giao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê.
Tuy nhiên, đại biểu Thúy cũng đề nghị phải lưu ý thêm một số nội dung về: việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn vì kinh phí công đoàn có giới hạn. Đồng thời, nguồn tài chính công đoàn cũng chưa được quy định rõ trong luật là nguồn vốn đầu tư công hay vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vì vậy, cần phải bổ sung quy định về nguồn vốn tài chính công đoàn
Bên cạnh đó, hiện nay theo quy định Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Do đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh, đủ điều kiện để tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Song song đó, trong xu hướng cả nước đang đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước theo thực hiện nghị quyết 12- NQ/TW của BCH TW đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nghị quyết 19 về nâng cao chất lượng hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lâp thì việc thành lập mới đơn vị trực thuộc tổng liên đoàn phải tính toán thật thận trọng, cần thiết thí điểm thực hiện.
Bên cạnh việc giao Tổng Liên đoàn tham gia xây dựng nhà ở xã hội, thì vẫn tiếp tục điều chỉnh các chính sách để phát huy, huy động tư nhân tham gia đóng góp nguồn lực xã hội vào phát triển nhà ở. Thời gian qua, doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không có nghĩa là chủ trương xã hội hoá không phù hợp mà vấn đề cần điều chỉnh ở đây là phải hoàn thiện chính sách, pháp luật hơn nữa cho đến khi khả thi, hiện thực hoá được chủ trương đúng đắn trên.
Thứ sáu, về Thanh tra nhà ở tại Điều 192, đại biểu Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung khoản 3 “Giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung thanh tra nhà ở”, lý do để phù hợp với khoản 4 Điều 190 về Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn theo quy định của Luật này và phân cấp của Chính phủ”. Bởi theo đại biểu Thúy, thực tế giao trách nhiệm Thanh tra nhà ở cho bộ phận Thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Xây dựng hiện nay tính khả thi không cao, không đủ sức để thực hiện (mô hình đội Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng, được bố trí về cấp huyện chung trong Phòng quản lý đô thị, chủ yếu kiểm tra giấy phép xây dựng các công trình); khả năng bao quát hết phạm vi quản lý là rất khó khăn, trong đó phải có trách nhiệm của UBND cấp xã, nên giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung Thanh tra nhà ở.
Đồng thời, đại biểu Thúy cũng thống nhất phương án 2 là chưa quy định nội dung Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
KC
Ý kiến bạn đọc