Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: Văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước

Thứ ba - 31/10/2023 15:18 163 0

Trong phiên thảo luận ở hội trường chiều ngày 31 tháng 10 năm 2023 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy huyện Gò Dầu nhận định rằng bước vào năm 2023, mặc dù Chính phủ đã rất chủ động dự báo, song những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới đến nước ta có mặt chưa lường hết được; vượt lên những khó khăn, thách thức Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng, cho dù có nội dung chưa đạt kỳ vọng. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đánh giá cao các thành tựu đất nước đã đạt được như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Theo đại biểu, đây là một trong những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế xã hội; Lạm phát được kiểm soát, hoàn toàn có dư địa thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra; Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách đạt khá, nhiều khả năng vượt mục tiêu đã đề ra; Chi ngân sách được bảo đảm, bội chi nằm trong giới hạn an toàn.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,25%, với mức tăng trưởng này, đại biểu Phương cho rằng đây là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng vượt khó của cả hệ thống chính trị; Nền kinh tế nước ta nằm trong nhóm nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, hướng mạnh đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực trọng điểm, kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng khẳng định an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao, đối ngoại tiếp tục có được những kết quả tốt; Trong đó nổi trội nhất là đối ngoại, đã nâng cao vị thế, uy tín, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực; Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn nền hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường chiều ngày 31/10/2023

Tuy nhiên, đại biểu Phương cũng băn khoăn bên cạnh những thành tựu đạt được thì tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm cũng còn những hạn chế, khó khăn thách thức chủ yếu tập trung vào:

Một là: Ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) vẫn trong tình trạng phục hồi và tăng trưởng chậm. Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng trong công tác điều hành, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng trong các lĩnh vực này vẫn còn nhiều nút thắt khó, chưa thể tháo gỡ ngay.

Hai là: Áp lực giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, của xã hội trong tình trạng hạn chế, vốn tín dụng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song quan trọng nhất, thậm chí quyết định theo đại biểu Phương là xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa thị trường nội địa còn yếu, theo đó hạn chế đến quá trình hấp thụ vốn.

Ba là: Xuất khẩu là một động lực rất quan trọng, tăng trưởng kinh tế nước ta dựa rất lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, 9 tháng qua giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cho rằng tiêu dùng nội địa tuy đã có mức tăng trưởng, song nhìn chung chưa đạt như mong muốn, một mặt do thu nhập người dân còn ở mức thấp; Mặt khác tâm lý, thói quen, sở thích của người tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều, xu hướng ưa dùng hàng ngoại còn tương đối phổ biến, cuộc vận động "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" vẫn chưa có hiệu quả thực chất trên phạm vi cả nước.

Bốn là: Tình trạng ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm thuốc trừ sâu, rác thải, rác nhựa; ô nhiễm biển, sông, ao hồ... đang diễn ra nghiêm trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống Nhân dân, đến sản xuất trong nước, mà còn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa khi đối tác áp đặt hàng rào kỹ thuật mới bởi xu hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức lớn.

Đại biểu Phương cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét thêm 02 vấn đề sau đây:

Thứ nhất: chỉ tiêu tăng năng suất lao động được dự báo là sẽ không đạt trong năm nay, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu này. Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; tương đương năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD). So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Đại biểu Phương nhận định rằng điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Do đó, theo đại biểu Phương việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước tiên tiến. Tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế; do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình và đề xuất giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới. 

Thứ hai: Cử tri lo lắng khi thời gian qua, nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng, hành xử dã man chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống; môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại; Một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức; mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân; ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác.

Đại biểu Phương cho rằng hiện nay, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế đề cập đầy đủ, rõ ràng; nhưng có nơi, có lúc tính chất “phát triển hài hòa” chưa thực sự hiệu quả, phát triển văn hoá còn chậm so với tốc độ phát triển của kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.

Đại biểu cũng chuyển tải ý kiến c tri cho rằng việc phát triển kinh tế chưa song hành với văn hóa. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo đến vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Đây là yêu cầu bức xúc khi mà những vấn đề về đạo đức đang bị xói mòn, rạn nứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong xã hội.

Đại biểu Phương đề nghị văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hoá trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yêu cầu đối của cả hệ thống chính trị nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hoá phát triển tương xứng, hài hoà với các lĩnh vực trọng yếu khác.

Song song đó, theo đại biểu quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá; xem văn hoá là “đuôi”, là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế; xem nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng “chẳng chết ai”; đầu tư cho văn hoá không có lợi nhuận...

Đại biểu Phương khẳng định kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến phát triển văn hóa thì cũng tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì? Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, văn hóa phải đi cùng và ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển.

                                                                         KC (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập61
  • Hôm nay9,161
  • Tháng hiện tại52,145
  • Tổng lượt truy cập1,003,229
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây