ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TÂY NINH THẢO LUẬN TỔ TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ tư - 17/01/2024 07:05 77 0

Sáng ngày 16/01/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và “Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 02 nội dung trên.

Tại buổi thảo luận ở Tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, đại biểu Quốc hội khóa XV phát biểu ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, việc ban hành Nghị quyết đã tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện của các địa phương hiện nay, thể hiện được tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương, ảnh trực tiếp đến quyền lợi của người dân đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại khoản 5, Điều 4, đại biểu Phương chọn Phương án 1 nên ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ trì liên kết vay để đầu tư tài sản phục vụ hoạt động phát triển sản xuất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước điều này phù hợp với thực tiễn; đại biểu còn băn khoăn về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị ban soạn thảo cần xem xét thiết kế lại quy định này thật chặt chẽ, đầy đủ cơ sở để chuẩn bị cho giai đoạn 2 triển khai thực hiện được tốt và toàn diện; đại biểu Phương thống nhất việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp vì đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của địa phương để các công trình quy mô nhỏ lẻ mang tính chất thường xuyên, có tính đầu tư được thực hiện tốt góp phần giải tỏa những ách tắt hiện nay.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu thảo luận tại tổ

Cũng trong buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục có ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo để đảm bảo mục đích của Nghị quyết là để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, mà không phải là áp dụng cho các nội dung khác của chương trình mục tiêu quốc gia.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, đại biểu Thúy đề xuất dự thảo Nghị quyết này nên tập trung phân quyền cho cấp tỉnh thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2024 - 2025 và việc thí điểm giao thẩm quyền cho cấp huyện chỉ bắt đầu áp dụng từ giai đoạn 2026 – 2030. Bởi vì, khi áp dụng phân cấp, phân quyền vào triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2025 sẽ gặp nhiều lúng túng ở bước đầu, đồng thời trong dự thảo cũng đã quy định về phân cấp, phân quyền khá nhiều và tối đa cho cấp tỉnh, nên sau khi cấp tỉnh thực hiện suôn sẻ, rút ra những khó khăn, vướng mắc lúc đó bắt đầu thực hiện giai đoạn phân cấp, phân quyền cho cấp huyện thì sẽ hợp lý hơn. Cuối cùng, đại biểu Thúy đề nghị việc phân cấp, phân quyền hiện nay cho cấp tỉnh nên theo hướng Chính phủ chỉ ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nguyên tắc để đảm bảo cho các địa phương không tùy tiện, còn cách thức thực hiện, tổ chức thực hiện như thế nào, phân bổ ra sao thì giao cho cấp tỉnh. Ngoài ra, không chỉ phân cấp cho địa phương cấp tỉnh được chủ động trong việc cơ cấu phân bổ trong nội bộ một chương trình mục tiêu quốc gia mà mong muốn lớn hơn nữa đó là được phân cấp phân quyền giữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đại biểu Thúy, điều này có thể khó nhưng nếu được việc phân cấp lớn hơn nữa, mạnh hơn nữa, địa phương không chỉ được quyền phân bổ các dự án thành phần, cơ cấu lại các dự án thành phần, nguồn lực trong các dự án thành phần của một chương trình mục tiêu quốc gia mà giữa các chương trình mục tiêu quốc gia địa phương cũng có quyền chủ động điều tiết các nội dung này thì sẽ tốt hơn và chủ động hơn. Còn việc kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình này là thuộc về các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

                                                               Hữu Lộc (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay4,287
  • Tháng hiện tại47,271
  • Tổng lượt truy cập998,355
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây