Vội vã…
Không phải đến bây giờ, những điểm chưa phù hợp của Nghị định số 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được đặt ra mà ngay từ khi Nghị định này còn ở giai đoạn dự thảo, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã nghiên cứu, gửi nhiều ý kiến đóng góp. Có thể nêu một số mốc thời gian để thấy sự vội vã, chưa đủ độ chín trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị định này: Ngày 16.12.2015, Bộ Nội vụ gửi văn bản hỏa tốc kèm dự thảo Nghị định xin ý kiến các địa phương đề nghị có ý kiến đóng góp gửi về Bộ trước ngày 22.12.2015; ngày 21.12.2015, Bộ Nội vụ gửi giấy mời tham dự Hội thảo vào ngày 28.12.2015 đến các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Tại Hội nghị này, rất nhiều ý kiến góp ý đã được các đại biểu nêu ra, phân tích những điểm chưa hợp lý của Dự thảo. Thậm chí, nhiều ý kiến có phần rất bức xúc và đề nghị xây dựng theo hướng phải bảo đảm cho Văn phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với việc tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Ngày 27.5.2016, Nghị định số 48/2016/NĐ-CP được ký ban hành, quy định có hiệu lực từ ngày 15.7.2016. Nếu như trước khi Nghị định được ban hành, tâm trạng của cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Văn phòng HĐND cấp tỉnh là sự chờ đón để sớm sắp xếp tổ chức và ổn định đi vào hoạt động thì khi Nghị định ra đời đã tạo nên sự hụt hẫng, ngỡ ngàng đối với những người gắn bó, am hiểu về hoạt động HĐND.
![]() | |
Những bất cập trong Nghị định 48 của Chính phủ là vấn đề được đưa ra tại các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực | |
Ảnh: N.Định |
Có thực sự muốn lắng nghe?
Tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu báo cáo Chính phủ về tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 48/2016/NĐ-CP. Đây cũng là nội dung được kiến nghị, trở thành vấn đề nóng cho dù không phải là chủ đề của nhiều hội nghị Thường trực HĐND khu vực diễn ra sau đó. |
Bài viết không đi sâu phân tích những điểm chưa hợp lý của Nghị định, mà chỉ đề cập đến cách thức xây dựng Nghị định, cách lắng nghe, phản hồi thông tin và ghi nhận để hoàn thiện một văn bản QPPL quan trọng, có tác động không nhỏ đến hoạt động của HĐND cấp tỉnh.
Có thể nói, sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, một thời gian khá dài sau đó (sau gần 6 tháng), Dự thảo Nghị định mới được gửi xin ý kiến đến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Vậy nhưng thời gian xin ý kiến lại rất ngắn, chỉ có 6 ngày kể cả thời gian Bộ gửi văn bản đến, thời gian nghiên cứu góp ý và thời gian gửi văn bản góp ý đi. Lại thêm một vấn đề, có thể do những phản ứng từ các địa phương, trước thời hạn cuối nhận ý kiến đóng góp 1 ngày, Bộ Nội vụ ký giấy mời Hội thảo để lắng nghe ý kiến các địa phương. Gần 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo việc thực hiện. Và lần này, việc đề nghị báo cáo lại lặp lại na ná: Ngày 30.9.2016 ký văn bản đề nghị báo cáo, đề nghị gửi báo cáo trước ngày 10.10.2016; trong thời hạn 10 ngày đó lại có đến 4 ngày nghỉ là thứ 7, chủ nhật. Điều này đặt ra một vấn đề: Liệu Bộ Nội vụ có thực sự muốn lắng nghe?
Kể từ ngày 1.7.2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành. Theo đó, trình tự ban hành Nghị định phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ, trong đó quy định cụ thể từng khoảng thời gian xin ý kiến, thời gian trả lời, thời gian thẩm định… Căn cứ quy định của Luật, nếu mục đích của việc đề nghị các địa phương báo cáo, kiến nghị để Bộ Nội vụ tham mưu sửa đổi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP thì phải có sự thận trọng, trình tự hợp lý và đặc biệt phải cần có sự lắng nghe trên tinh thần cầu thị.
Có như thế mới tạo nên sức sống của một văn bản quy phạm pháp luật.
Ý kiến bạn đọc