UBND tỉnh trả lời ý kiến cử tri: Thay cây viết, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và không gian xanh cho Thị xã

Thứ năm - 13/12/2012 14:45 22 0

UBND tỉnh trả lời ý kiến cử tri: Thay cây viết, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và không gian xanh cho Thị xã

(BTNO) – Gần đây, Báo Tây Ninh có khá nhiều bài viết đề cập đến việc tỉnh chủ trương thay cây viết đã trồng trên các tuyến đường Thị xã nhiều năm qua bằng các cây sao, dầu, gây lãng phí. Trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh, trong các cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Châu Thành cũng đã có ý kiến thắc mắc: Vì sao trước đây khi quyết định trồng cây viết trên địa bàn Thị xã Tây Ninh, cơ quan chức năng không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn để bây giờ phải thay đổi cây viết thành cây dầu gây tốn kém tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trả lời ý kiến của cử tri, UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn Thị xã có 07 tuyến đường được trồng cây viết từ năm 1996 đến năm 2000 gồm Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Nguyễn Trãi, Võ Văn Truyện, Phạm Văn Chiêu, Yết Kiêu với khoảng 1.989 cây. Trước đây việc trồng cây viết được thực hiện sau khi học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Vào thời điểm này vì thấy rằng cây có dáng đẹp, xanh, không rụng lá và chi phí đầu tư không cao, nên tỉnh quyết định đầu tư. Qua thời gian sinh trưởng và phát triển trung bình hơn 10 năm, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Tây Ninh không phù hợp, cây không cao, không lớn, tán rộng che khuất tầm nhìn mặt phố, trái rụng gây ổ nhiễm, cây bị sâu bệnh dẫn đến suy kiệt và chết rất nhiều. Hiện nay, các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã thay thế cây viết bằng chủng loại cây thích hợp hơn.

Để tiếp tục duy trì hệ thống cây xanh đô thị, từ năm 2008, Thị xã đã tiến hành thay thế các cây viết bị chết bằng cây sao. Đến năm 2009, thí điểm thay cây viết bằng cây dầu trên đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn trước Công an Tây Ninh. Sau 3 năm thay thế, các cây sao, dầu phát triển tốt, đẹp. Cụ thể, cũng ở 7 tuyến đường trên, đã thay thế 613 cây và chuẩn bị thay 536 cây.

Thị xã phấn đấu trở thành thành phố kinh tế - sinh thái (Trong ảnh, cây bằng lăng trồng dọc trên tuyến đường qua Cầu Mới - Thị xã)

Nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và không gian xanh cho Thị xã nói riêng và tỉnh nói chung, ngày 01.7.2011, UBND tỉnh đã cho chủ trương thay cây viết bằng cây sao mà không đợi chết cây nào thay cây đó. Đồng thời, giao Sở Xây dựng và UBND Thị xã thực hiện. Hiện nay đã thay thế toàn bộ cây viết trên đường Nguyễn Thái Học và Nguyễn Trãi.

UBND tỉnh bày tỏ lời cảm ơn ý kiến đóng góp của cử tri. Thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm trong việc xem xét, chọn lựa cây trồng, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị và không gian xanh cho Thị xã, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí.

UBND tỉnh cũng đã tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri Thị xã về tình trạng ô nhiễm nước ngầm ở khu vực ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh và kiến nghị bố trí hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng. UBND tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường có kế hoạch kết hợp với các đơn vị có liên quan lấy mẫu phân tích chất lượng nước ngầm tại đây để có hướng xử lý.

Cũng tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân công Sở Nội vụ trả lời ý kiến của đại biểu về bất cập trong quản lý hành chính ở khu vực Khedol. Theo đại biểu HĐND, hiện nay tại khu vực Khedol (Bố Kết) về quản lý hành chính như hộ khẩu, CMND, bầu cử… do UBND Thị xã quản lý; về đất đai do huyện Tân Châu quản lý, gây khó khăn cho người dân. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết cách xử lý về vấn đề này như thế nào?

Theo Sở Nội vụ tỉnh, tại khu vực ngã 3 Bố Kết, thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, Thị xã từ lâu đã có một cộng đồng dân tộc Khmer (khoảng 311 hộ với 1.311 nhân khẩu) sinh sống, sản xuất, chăn nuôi. Lúc đầu, khu Bố Kết có trên dưới 10 hộ dân sinh sống, sản xuất ở bên kia con suối nhỏ rộng 0,5 m (đây là đường ranh giới hành chính giữa Thị xã và huyện Tân Châu) thuộc ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Về hộ khẩu của cả cộng đồng dân tộc Khmer ở khu vực này do UBND huyện Hoà Thành quản lý (từ năm 2001 đến nay do UBND Thị xã quản lý theo Nghị định số 21/2001/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoà Thành để mở rộng thị xã Tây Ninh). Hiện nay, tại khu vực Bố Kết có 77 hộ với 335 nhân khẩu được chia thành 03 tổ tự quản do UBND xã Thạnh Tân, Thị xã quản lý (những hộ này đã được cơ quan chức năng của Thị xã cấp sổ hộ khẩu, có số nhà) nhưng đất ở, nhà ở và đất sản xuất thì trên địa bàn ấp Tân Trung B thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (trong đó có một phần đất sản xuất thuộc địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu).

Để xử lý bất cập trong quản lý hành chính tại khu vực này, Sở Nội vụ đã phối hợp với UBND Thị xã và UBND huyện Tân Châu tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế để tham mưu UBND tỉnh xem xét phương án giải quyết.

Về cơ bản, UBND tỉnh đã có chủ trương giải quyết vấn đề quản lý các hộ dân tại khu vực Bố Kết là quản lý hành chính theo địa bàn, đồng thời chỉ đạo UBND Thị xã và UBND huyện Tân Châu xây dựng quy chế phối hợp để quản lý hành chính các hộ dân tại khu vực này.

Trong khi đó, về phía UBND huyện Tân Châu và UBND Thị xã thì đề xuất phương án điều chỉnh địa giới hành chính để quản lý hành chính đối với các hộ dân tộc Khmer đang sinh sống tại khu vực Bố Kết. Cụ thể UBND huyện Tân Châu sẽ giao một phần diện tích đất tự nhiên khu Bố Kết nơi các hộ dân tộc Khmer đang sinh sống (khoảng 124 ha) về Thị xã quản lý để đảm bảo tính pháp lý trong quản lý hộ khẩu, hộ tịch.

Từ trước tới nay, ý kiến của Sở Nội vụ là việc điều chỉnh địa giới như đề xuất của UBND Thị xã và UBND huyện Tân Châu là không khả thi, không đủ cơ sở để thuyết phục Bộ Nội vụ và Chính phủ xem xét, chấp thuận. Do đó, Sở Nội vụ đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét có kết luận cuối cùng trong giải quyết quản lý tại khu vực Bố Kết.

Tại cuộc họp ngày 03.7.2012, sau khi xem xét đề xuất của Sở Nội vụ, ý kiến trình bày của đại diện UBND huyện Tân Châu, UBND Thị xã và Công an tỉnh, trên cơ sở thực tế tập quán, sự gắn kết của cộng đồng và nguyện vọng của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực này và quy định của Luật cư trú có hiệu từ ngày  01.7.2007 (tại Điều 3 quy định: “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú”), Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận như sau: Không thực hiện phương án điều chỉnh ranh giới hành chính để giải quyết vấn đề quản lý hành chính đối với các hộ dân đang sinh sống tại Khu vực Bố Kết; Giữ nguyên hiện trạng như việc quản lý hiện nay. Giao UBND Thị xã chủ trì phối hợp UBND huyện Tân Châu xây dựng quy chế quản lý hành chính và trật tự xã hội, đất đai, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào thực hiện các thủ tục quan hệ hành chính, sinh hoạt, sản xuất và được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật tại khu vực Bố Kết, nơi giáp ranh giữa Thị xã và huyện Tân Châu; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những phát sinh vượt thẩm quyền.

(Theo Tay Ninh Online)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay5,002
  • Tháng hiện tại94,701
  • Tổng lượt truy cập1,382,685
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây