* Nội dung chất vấn: “Phong trào thi đua ngành Tòa án những năm vừa qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cách chốt số lượng án và thời điếm tính số lượng án còn bất cập, dẫn đến áp lực cho đội ngũ Thẩm phán, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và đặc biệt là quyền lợi của người dân chưa được đảm bảo. Mặt khác, lượng án hiện nay tại một số Tòa án qua báo cáo năm sau đều cao hơn năm trước, trong khi số lượng biên chế thì không tăng. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết giải pháp nào để phong trào thi đua trong ngành được thực hiện một cách hiệu quả nhất vừa đảm bảo quyền lợi của người dân theo quy định pháp luật, vừa tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo do đơn không được thụ lý đúng hạn, ngoài ra còn ngăn ngừa khả năng xảy ra tiêu cực trong ngành Tòa án để được thụ lý đơn trong giai đoạn gần tổng kết năm; đồng thời, cũng vừa hạn chế áp lực công việc quá nhiều rất dễ xảy ra sai sót dẫn đến án bị hủy, sửa và cũng để phong trào thi đua thật sự góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, người lao động ngành Tòa án hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao? ”
* Tòa án nhân dân tối cao trả lời như sau:
Thứ nhất, về thời điểm chốt số liệu, tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án quy định: “Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thống nhất thời điếm thống kê số liệu năm công tác từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 30 tháng 9 năm sau hoàn thiện báo cáo công tác năm trình Quốc hội”.
Như vậy, thời điểm chốt số liệu tính thi đua của ngành Tòa án vào ngày 30/9 hàng năm là phù hợp với thời điểm thông tin báo cáo phục vụ kỳ họp cuối năm của Quốc hội (khai mạc ngày 25 tháng 10 hàng năm) theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 96/2019/QH14.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi tắt là đương sự) có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; khi đương sự nộp đơn khởi kiện, nếu đủ điều kiện, Tòa án sẽ phải thụ lý và giải quyết theo quy định. Thực tiễn thời gian qua, các Tòa án luôn thực hiện thụ lý đơn khởi kiện của đương sự khi đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều thành lập các Đoàn kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) để kịp thời chấn chỉnh các sai sót của các Tòa án (nếu có), trong đó có vi phạm về việc thụ lý vụ án, qua kiểm tra, nếu phát hiện Tòa án nào từ chối không nhận đơn khởi kiện vì lý do sắp hết năm công tác sẽ kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, yêu cầu kiểm điểm và xử lý theo quy định.
Thứ hai, hiện nay số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng về số lượng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, trong khi tình hình biên chế của các Tòa án còn nhiều khó khăn, số lượng biên chế các đơn vị không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, để nâng cao chất lượng công tác và để phong trào thi đua trong ngành Tòa án được thực hiện một cách hiệu quả nhất, Tòa án nhân dân tối cao xác định các giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện trong thời gian tới như sau:
1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhất là công tác cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tăng cường phiên tòa xét xử trực tuyến, phát triển án lệ... để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội.
2. Tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, yêu cầu giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án liêm chính, chính trực, có ý thức, trách nhiệm bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng; biết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, nắm vững về pháp luật và hành động đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, kết hợp thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tiêu cực, trì trệ, qua đó đào tạo, rèn luyện toàn diện cán bộ đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho Tòa án các cấp. Nâng cao chất lượng, đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo qua phân công kèm cặp, giao việc cụ thể.
3. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, hình thức thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng gắn thanh tra công vụ với kiểm tra nghiệp vụ. Coi công tác thanh tra, kiểm tra là một biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, nhất là hành vi lợi dụng nhiệm vụ để tham nhũng, tiêu cực phải xử lý nghiêm để làm gương; đồng thời chủ động rà soát, kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các quy định chưa phù hợp đối với cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong ngành Tòa án.
4. Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp”.
5. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung, phần mềm Trợ lý ảo; phần mềm quản lý, theo dõi tiến trình thụ lý, giải quyết đơn, vụ án tại Tòa án nhân dân các cấp; phần mềm thống kê các loại vụ án; dịch vụ công trực tuyến gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng để nâng cao hiệu quả công tác quản trị Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Vận hành có hiệu quả Trung tâm Giám sát và điều hành Tòa án nhân dân để tăng cường giám sát, đánh giá tình hình thụ lý, giải quyết các loại vụ án của các địa phương và của từng Thẩm phán để chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời, tránh tình trạng dồn việc vào cuối năm.
TTR
Ý kiến bạn đọc