Để đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác tổ chức cai nghiện và phòng, chống tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh. Ngày 12/9/2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình hình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh tại UBND thành phố Tây Ninh và UBND huyện Bến Cầu. Cuộc khảo sát do bà Nguyễn Thị Chi, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh – Phó Trưởng đoàn chủ trì; tham dự có 08/10 thành viên Ban Pháp chế; Đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND thành phố Tây Ninh
Theo báo cáo của UBND thành phố Tây Ninh trong thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, không xảy ra các vụ, việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận quần chúng Nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Tập trung triệt phá các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm về ma túy, nhất là các tổ chức, đường dây hoạt động liên tỉnh, các băng nhóm tội phạm có vũ trang, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt cả đường dây, đối tượng cầm đầu, truy nguyên nguồn gốc ma túy, chú ý thủ đoạn lợi dụng việc vận chuyển hàng hóa để hoạt động phạm tội ma túy. Ngăn chặn, không để thành phố Tây Ninh là địa bàn trung chuyển ma túy.
Thành phố thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tích cực thu thập thông tin tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Tổ chức rà soát, thống kê chính xác, lập danh sách người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy theo những tiêu chí cụ thể, thống nhất; có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng bị ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy có hành vi phạm tội,…
Bên cạnh những mặt đạt được, trên địa bàn thành phố Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, 10/10 phường xã đều có người nghiện ma túy; công tác tuyên truyền chưa phát huy được hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tỷ lệ tái phạm tội của các đối tượng bị áp dụng hình thức đưa đi cai nghiện bắt buộc, tù tha về còn cao. Chưa có giải pháp cụ thể trong việc quản lý và hạn chế việc gia tăng người nghiện trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Bến Cầu thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp; số địa bàn xã, thị trấn số người liên quan ma túy, người nghiện ma túy có giảm qua các năm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý. Nguồn ma túy vận chuyển vào địa bàn huyện chủ yếu từ Camphuchia, Thành phố Hồ Chí Minh, các huyện tiếp giáp. Gần đây, tình hình vận chuyển ma túy trái phép từ Campuchia qua biên giới vào địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá, dạng viên; nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy tổng hợp bị ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi,... dẫn đến vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu là những người không có việc làm ổn định, lao động di cư tự do. Địa điểm sử dụng ma túy không còn lén lút, bí mật như trước mà chuyển dần sang lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ, như karaoke, nhà nghỉ, khách sạn,... Độ tuổi giảm dần, ảnh hưởng mạnh trong lứa tuổi từ 18 đến 30 tuổi. Hiện nay, tình trạng sử dụng chất ma túy tẩm vào các loại thảo mộc “cỏ Mỹ”, thuốc lá điện tử trong lứa tuổi thanh niên. Tình hình học sinh sử dụng ma túy trong thời gian qua trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng, lập hồ sơ đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, tránh ma túy cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên chưa có chiều sâu, chưa có trọng điểm nên số thanh, thiếu niên bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy gia tăng trong khi gia đình thiếu kiến thức để nhận biết phát hiện cũng như hỗ trợ con em bị nghiện trong quá trình cai nghiện. Công tác tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân; tâm lý, thái độ kỳ thị với người nghiện ma túy vẫn còn phổ biến.
Công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả thấp, các hoạt động hỗ trợ học nghề, cho vay vốn còn hạn chế; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện. Địa bàn huyện có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở là điều kiện thuận lợi để các đối tượng trong nội địa móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới Campuchia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao.
Đoàn khảo sát đã tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân về một số tồn tại, hạn chế, như: công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản có liên quan đến công tác phòng chống ma túy có bảo đảm đúng đối tượng, đúng thời điểm hay không? Cơ sở dữ liệu về quản lý đối tượng nghiện; việc thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ làm nhiệm vụ có đảm bảo theo thông tư số 63/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 về hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước; cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý người nghiện; công tác rà soát thống kê, phân loại, lập hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình di, biến động người nghiện ma tuý trên địa bàn;…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Chi – Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của UBND thành phố Tây Ninh và UBND huyện Bến Cầu. Đồng thời, đề nghị các cơ quan sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, quan tâm làm tốt một số công tác sau: Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý và cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý người nghiện; Thực hiện tốt công tác rà soát thống kê, phân loại, lập hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình di, biến động người nghiện ma tuý trên địa bàn. Kết hợp các biện pháp cai nghiện tập trung và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; áp dụng quản lý đối tượng với các hình thức: quản lý hành chính tại xã, phường, thị trấn; cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện; quản lý sau cai nghiện tập trung và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, kết hợp hoạt động hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp; Đội công tác xã hội tình nguyện qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; Giúp đỡ, tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng và tại cơ sở chữa bệnh được tổ chức quản lý, tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm, đời sống ổn định; Các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia tích cực kế hoạch toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma túy do chính quyền cùng cấp phát động…
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc