Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ bảy - 12/11/2022 02:00650
Chiều ngày 11 tháng 11 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Về giải thích từ ngữ tại khoản 3 Điều 4 dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hàng hóa phục vụ cho dịch vụ y tế là hàng hóa thiết yếu. Vì trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì các hàng hóa phục vụ cho dịch vụ y tế được xem là mặt hàng khan hiếm và vô cùng cấp thiết cho đời sống xã hội. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định giải thích đối với cụm từ “giá trị phi thị trường”. Vì hiện nay, các hệ thống quy định về giá tính thuế đều đang sử dụng cơ sở hình thành giá trị phi thị trường nhưng chưa được thừa nhận như: xác định giá trị còn lại của ô tô đã qua sử dụng làm căn cứ tính thuế chuyển nhượng; Giá trị nhà tính lệ phí trước bạ; Bảng giá đất làm căn cứ xác định các nghĩa vụ tài chính về đất đai như tính thuế sử dụng đất; Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (chưa bao gồm thuế chuyển nhượng đất) … không căn cứ vào giá trị cụ thể của tài sản mà áp dụng đồng loạt theo năm sản xuất với ô tô, theo diện tích (m2) với nhà đất.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, tại điểm c khoản 6 Điều 7 dự thảo, quy định cấm khách hàng thẩm định giá sử dụng Chứng thư thẩm định giá đã hết thời gian hiệu lực; sử dụng Chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định… Tuy nhiên, lại không quy định việc cấm khách hàng sử dụng Chứng thư thẩm định giá giả nhằm mục đích trái pháp luật đây là trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế xã hội hiện nay. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “Sử dụng Chứng thư thẩm định giả”.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trường
Tại khoản 5 Điều 30 đề nghị đơn vị soạn thảo bổ sung nội dung quy định về trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá quyết định giá hiệp thương thì trong thời gian đó, các bên có thể thực hiện theo mức giá tạm thời do cơ quan hiệp thương giá quyết định. Bởi vì, trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá là hàng hóa, dịch vụ có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau khó có thể thay thế được nhưng lại không đạt được thương lượng về giá sẽ gây ảnh hưởng, khó khăn cho quá trình cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó vào thị trường do các bên chưa thể thực hiện.
Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của cơ quan hiệp thương giá được quyết định mức giá tạm thời trong trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá.
Mặt khác, đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định về thẩm quyền quyết định giá hiệp thương của cơ quan hiệp thương giá trong trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng được mức giá. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 dự thảo Luật thì: “Tại hội nghị hiệp thương giá, cơ quan hiệp thương giá có vai trò trung gian, tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; không được can thiệp vào mức giá thương lượng giữa bên mua và bên bán”. Theo quy định này, đại biểu Thúy nhận thấy quy định tại khoản 5 Điều 30 dự thảo Luật quy định “Bên bán có trách nhiệm lập phương án giá hiệp thương, lấy ý kiến bên mua để tổng hợp gửi cơ quan hiệp thương giá xem xét, quyết định giá hiệp thương. Việc ban hành Quyết định giá hiệp thương được thực hiện như việc ban hành Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá” là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 30 dự thảo Luật và nguyên tắc “tôn trọng quyền tự quyết định giá của các bên đề nghị hiệp thương giá” quy định tại khoản 3 Điều 28 dự thảo Luật.
Đối với quy định tại Điều 32 đã quy định được cơ chế quản lý nhà nước về việc niêm yết và quyền khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá không đúng quy định. Tuy nhiên, lại không có cơ chế quản lý, giải quyết về việc cá nhân, tổ chức không thực hiện việc niêm yết giá khi mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây là tình trạng thực tế diễn ra trong đời sống xã hội hằng ngày việc các cá nhân, tổ chức không thực hiện niêm yết giá và thay đổi giá bán một cách bất hợp lý đang diễn ra thường xuyên và gây nhứt nhói cho người tiêu dùng. Cụ thể trong các dịp lễ, tết tại các địa điểm du lịch các địa điểm ăn uống, nghỉ dưỡng đồng loạt tăng giá và không thực hiện niêm yết khi thay đổi giá dẫn đến người tiêu dùng phải chịu thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, đề nghị bổ sung thêm quy định bắt buộc về việc thực hiện niêm yết giá kịp thời ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thanh Trung (lược ghi)