Một số vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội

Thứ tư - 21/12/2022 21:00 103 0

Một số vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng  giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội

Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND thực hiện một cách thường xuyên theo quy định. Có thể nói, trong các hình thức giám sát thì giám sát chuyên đề giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi giám sát chuyên đề có nội dung cụ thể, hình thức giám có tính chuyên sâu, có tác động mạnh và trực tiếp đến các đối tượng chịu sự giám sát, các kiến nghị qua giám sát thường được UBND và các ngành chức năng quan tâm giải quyết. Giám sát chuyên đề xem xét lại những nội dung nghị quyết đã ban hành, đã được triển khai thực hiện xem thực hiện đã kịp thời chưa, đã đi vào thực tiễn đời sống chưa; đồng thời xem xét các chính sách, pháp luật đã ban hành có gì chưa phù hợp với thực tiễn không, để điều chỉnh cho phù hợp. Đối với Ban của HĐND, giám sát chuyên đề của Ban HĐND mang tính chuyên sâu theo lĩnh vực.  Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo, điều hoà hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, từng lĩnh vực, có nhiều chuyển biến tích cực nhất là trong giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực văn hóa - xã hội ở địa phương.  Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh nhận thức rõ hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề sẽ góp phần quyết định kết quả hoạt động của Ban. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động hàng năm của Thường trực HĐND Tỉnh, Ban đã xây dựng Chương trình giám sát cụ thể cho hoạt động giám sát chuyên đề và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Ban đã tích cực đổi mới cách thức, phương pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề.  Trong năm 2022, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức giám sát chuyên đề với 02 nội dung. Ban Văn hóa - Xã hội đã tập trung giám sát những vấn đề bức xúc được cử tri và đại biểu HĐND quan tâm trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thông qua các đợt giám sát chuyên đề, Ban đã có kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan xem xét, rà soát để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn cuộc sống và trên thực tế một số kiến nghị của Ban đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo thực hiện. Ban Văn hóa - Xã hội giám sát chuyên đề về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Tân Biên (ảnh minh họa) Tuy nhiên, hoạt động giám sát chuyên đề cũng gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc giám sát như: Ngoài khảo sát thực tế, hình thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo nên kết quả đạt được chưa cao; một số kết luận sau giám sát thường chung chung, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ý kiến, kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện thường xuyên; việc UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị được giám sát gửi báo cáo, tài liệu cận ngày diễn ra cuộc giám sát, ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, tiếp cận báo cáo của các thành viên Ban; vẫn còn các cơ quan, đơn vị chịu giám sát báo cáo không đúng theo yêu cầu đề cương giám sát; chuyên viên giúp việc cho Ban HĐND đôi lúc còn hạn chế trong công tác tham mưu… Qua thực tiễn hoạt động, để giám sát chuyên đề của Ban được chất lượng, hiệu quả, cần quan tâm một số giải pháp như sau: Một là, trước khi giám sát  - Quyết định thành lập Đoàn giám sát: phải xác định rõ phạm vi giám sát, đối tượng giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Việc giám sát cần tập trung một số vấn đề cụ thể, vấn đề chính mà Đoàn giám sát hướng đến để cuộc giám sát có thể chuyên sâu hơn đúng với tinh thần giám sát chuyên đề.  Tránh việc phạm vi giám sát dàn trải, quá rộng, quá lớn, cần nhiều thời gian, nguồn lực phục vụ việc giám sát. Kế hoạch giám sát: cần nêu rõ mục đích, yêu cầu của đợt giám sát, đối tượng giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cần giới hạn đối tượng giám sát. Việc giám sát quá nhiều đối tượng với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị báo cáo sẽ tạo áp lực cho các đơn vị đang trực tiếp triển khai thực thi nhiệm vụ vừa phát triển kinh - tế xã hội. Vì thế yêu cầu đối với đối tượng giám sát ít về số lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu mà Đoàn giám sát có thể khai thác thông tin phục vụ việc giám sát. - Đề cương giám sát: đề cương giám sát càng chi tiết thì càng thuận tiện cho đối tượng giám sát xây dựng báo cáo và giúp cho Đoàn giám sát có những căn cứ để trao đổi, làm rõ và thuận lợi cho công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Để đề cương báo cáo giám sát đúng trọng tâm và đủ các thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, việc dự thảo đề cương báo cáo giám sát cần được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát, các thông tin phản ánh trên báo chí, ý kiến của cử tri. Hai là, trong quá trình tiến hành cuộc giám sát Khi tiến hành giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét thực tế. Thực tế cho thấy, qua giám sát vừa nghe báo cáo vừa đi khảo sát thực tế mới có thể thấy hết những vấn đề xảy ra ở cơ sở. Việc khảo sát thực tế nên gọn nhẹ, chủ yếu là nắm thông tin để làm vệc với ngành chuyên môn. Thành viên Đoàn giám sát phải nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về nội dung giám sát, nghiên cứu kỹ các báo cáo, kết hợp với xem xét các hồ sơ liên quan, ý kiến cần có tính chất vấn, phản biện... đặc biệt, cần thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, có xác minh tại chỗ để làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát. Ba là, sau khi kết thúc đợt giám sát - Xây dựng báo cáo kết quả giám sát phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó nêu ra được những kiến nghị, đề xuất chính xác, phù hợp, khả thi để các cơ quan tổ chức thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện.  - Tiếp tục theo dõi việc thực hiện kiến nghị qua giám sát đối với các cơ quan chịu sự giám sát. Đối với các cơ quan chậm xử lý, giải quyết kết luận giám sát cần phải có tham mưu Ban có công văn nhắc nhở, đôn đốc hoặc tổ chức phúc tra để việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đạt hiệu quả cao. Bốn là, Ban tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các Ban HĐND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan trong hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban. YP

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay104
  • Tháng hiện tại71,595
  • Tổng lượt truy cập1,849,882
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây