Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Tỉnh Ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh phát biểu một số nội dung sau:
Vấn đề đầu tiên đại biểu Thúy quan tâm về quảng cáo trên báo in. Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung sửa Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”. Đại biểu cho biết: hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tự chủ tài chính khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều vào hoạt động quảng cáo trên các phương tiện này, do đó các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu cho đơn vị trong đó có biện pháp tối ưu hóa lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo, điều này cũng là nguyện vọng chính đáng để cơ quan soạn thảo Luật cân nhắc điều chỉnh. Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012 là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống mà cũng sẽ gây phản ứng trái chiều từ đọc giả, thính giả. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét tăng hợp lý, cụ thể đề xuất sửa đổi theo hướng “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 20% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trưởng
Nội dung thứ hai, đại biểu quan tâm về quảng cáo trên báo nói, báo hình. Tại khoản 4 Điều 22 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định “Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút”, theo đại biểu việc quy định như trên dẫn đến phát sinh hai thực trạng:
Một là, tình trạng các Đài truyền hình điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim trong khi vẫn áp dụng quy định ngắt để quảng cáo như trên gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ truyền hình phải tiếp nhận các thông tin quảng cáo không mong muốn phim quá ngắn và quảng cáo quá dài.
Hai là, việc cắt giảm thời lượng phim/chương trình có thể ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm (biên kịch, đạo diễn của tác phẩm điện ảnh), thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Chính vì vậy, nội dung của Dự thảo cần giải quyết được những bất cập trên và cân bằng lợi ích giữa các Đài truyền hình và người sử dụng dịch vụ truyền hình.
Tại Điều 22 được dự thảo Luật Quảng cáo sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút”. Theo đó, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/4 thời lượng chương trình vui chơi giải trí hoặc phim. Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã làm rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí hoặc phim và gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định “người tiếp nhận quảng cáo có quyền từ chối tiếp nhận quảng cáo”, tuy nhiên đối với quảng cáo trên chương trình truyền hình thì người tiếp nhận quảng cáo không có cách nào từ chối tiếp nhận quảng cáo. Nếu như quảng cáo trên báo in thì độc giả có thể bỏ qua các trang quảng cáo không đọc; quảng cáo trên báo điện tử, trên mạng internet thì người xem có thể bỏ qua khi quảng cáo chuyển đến giây 1.5 nhưng đối với quảng cáo trên chương trình truyền hình, sóng trực tiếp thì người sử dụng không thể bỏ qua và cũng không có biện pháp nào khác ngăn chặn việc phát sóng quảng cáo.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng: “thời lượng quảng cáo trên các chương trình phim truyện (đặc biệt là phát sóng trên các khung giờ vàng) là tương đối nhiều”. Tuy nhiên, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo chưa có đánh giá từ phương diện người xem chương trình truyền hình đối với quy định về thời lượng quảng cáo theo quy định của pháp luật quảng cáo hiện hành mà mới chỉ xem xét giải quyết vấn đề tài chính của các Đài Truyền hình. Việc đưa ra đề xuất này mới chỉ xem xét giải quyết vấn đề tài chính của các đài truyền hình mà chưa đánh giá trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người xem truyền hình/đối tượng thụ hưởng chương trình.
Từ những căn cứ trên, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc một bộ phim không nên có quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.
Vấn đề cuối cùng, về Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử. Đại biểu thống nhất với việc dự thảo đổi tên điều luật từ “Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử” thành “Quảng cáo trên mạng” và định nghĩa “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet” vì quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử không thể bao quát hết các loại hình quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định liệt kê sẽ không thể tránh được việc liệt kê không hết các đối tượng, nên việc quy định thêm các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet như dự thảo là hợp lý.
Về thời gian chờ, tắt/mở quảng cáo, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”, thay đổi này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử, tuy nhiên lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng và tiếp cận thông tin. Vì vậy, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo, độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.
Về báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Tại dự thảo Luật Quảng cáo quy định: “Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và Truyền thông”, đại biểu Thúy cho rằng việc quy định về chế độ báo cáo hoạt động của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là cần thiết, điều này giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức này hiệu quả hơn, tuy nhiên cần bổ sung quy định về hình thức báo cáo như gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc trực tuyến qua Cổng Thông tin điện tử nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo của những chủ thể này.
Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc