Chiều ngày 22/11/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Tổ góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh góp ý liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tại khoản 5 Điều 1 có quy định: "Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội là những vấn đề mang tính thời sự gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp trên nhiều lĩnh vực và các vấn đề khác". Với nội dung này, có hai điểm đại biểu đề nghị xem lại, một là "mang tính thời sự" và hai là "vấn đề khác". Nếu là quy định mang tính nguyên tắc để hướng dẫn thi hành thì đề nghị phải mang tính định lượng nhiều hơn. Như dự thảo thì mang tính định tính về tính thời sự và vấn đề khác. Quy định không rõ hai vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, chủ quan, thậm chí lạm quyền trong việc chọn chuyên đề giám sát. Đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm, mặc dù trong quy định này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định cụ thể về tiêu chí và quy trình lựa chọn chuyên đề, nhưng theo đại biểu Luật phải quy định nội dung mang tính nguyên tắc để trên cơ sở đó hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể.
Tại khoản 6 Điều 1 dự thảo sửa đổi khoản 2 Điều 13 của luật hiện hành đang đưa ra hai phương án. Phương án 1 thì tại kỳ họp cuối năm Quốc hội chỉ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, về thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách nhà nước. Các báo cáo còn lại Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm sau. Như theo Tờ trình số 1011/TTr-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, đề xuất ngoài những nội dung đó thì theo phương án sẽ đưa vào kỳ họp giữa năm sau mới tiến hành cho ý kiến. Tuy nhiên, Hội đồng dân tộc có Báo cáo số 1823/BC-HĐDT đã tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân không đề cập hạn chế liên quan đến nội dung này. Như vậy, cơ sở pháp lý, lý luận và thực tiễn để đề xuất sửa đổi nội dung này không thấy đề cập rõ. Đại biểu Thúy đề nghị cơ quan trình bổ sung cơ sở lý luận thực tiễn để sửa đổi điều này trong dự thảo.
Tại điểm c khoản 8 Điều 1 dự thảo sửa đổi có quy định: ''Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc là kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm cho Tổng thư ký phải chịu trách nhiệm tập hợp, tổng hợp, đôn đốc việc trả lời chất vấn". Đại biểu Thúy cho rằng quy định này còn thiếu một trường hợp là hết thời hạn gửi văn bản chất vấn mà đại biểu Quốc hội vẫn không nhận được trả lời của bộ, ngành. Vì vậy, đề nghị bổ sung trường hợp hết thời hạn nhưng các bộ, ngành không trả lời và đại biểu Quốc hội không nhận được chất vấn sẽ bổ sung “nội dung đưa ra Quốc hội trong phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm”.
Vấn đề đại biểu Thúy còn băn khoăn tại khoản 2 Điều 83 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân hiện hành quy định “về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nội dung liên quan đến quy định về Hội đồng nhân dân chủ yếu quy định đến Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân và Điều 18 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân có một khoản quy định về tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đại biểu thì việc thực hiện chức năng giám sát chỉ nên dừng lại ở thẩm quyền các Ban của Hội đồng nhân dân, bởi vì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đều được cơ cấu vào các Ban và các Ban đều phụ trách các lĩnh vực toàn diện để tham mưu giám sát. Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát sẽ không thực sự chặt chẽ. Để thực hiện chức năng giám sát, đại biểu cho rằng chỉ nên dừng lại ở giám sát của Hội đồng nhân dân, của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân là đủ, như vậy sẽ chặt chẽ...
Ngoài các ý kiến đóng góp cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân của các đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Đà Nẵng, đại biểu Phạm Hùng Thái Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Tổ thảo luận gợi ý thêm một số điều khoản trong dự án luật còn đưa ra 02 phương án lựa chọn để các đại biểu trong Tổ 11 đóng góp ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hùng Thái có ý kiến đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cụ thể việc bổ sung nguyên tắc mới trong luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo luật tại khoản 1 dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đông nhân dân phải đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Với quy định về thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, theo đó đại biểu Phạm Hùng Thái ý kiến đối với việc sử dụng kết quả từ báo cáo tổng kết công tác năm của Chính phủ, bộ, ngành, tránh lãng phí về nguồn lực trong việc xây dựng các báo cáo. Do vậy, cần sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân hiện hành theo hướng ngoài báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước. Quốc hội vẫn xem xét, thảo luận vào kỳ họp cuối năm như quy định hiện hành. Còn các báo cáo khác Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận vào kỳ họp giữa năm của năm sau.
Ngoài các nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách, Chính phủ báo cáo số liệu còn ước và Ủy ban nhân dân các tỉnh báo cáo trước Hội đồng nhân dân ước thực hiện đến cuối năm để so sánh, đánh giá kết quả đạt được. Nhưng báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí v.v.. không thể ước được, cần có những mốc thời gian quy định cụ thể. Hiện nay mỗi ngành có những mốc thời gian lấy số liệu để đánh giá khác nhau, cho nên chưa thống nhất về số liệu của các cơ quan này. Vào kỳ họp cuối năm của Quốc hội là tháng 10, tháng 11, như hiện nay thì chỉ có cơ quan thi hành án là báo cáo tổng kết số liệu trọn năm. Theo số liệu của cơ quan thi hành án lấy đến 30/9 hàng năm chốt tổng kết của một năm và bắt đầu năm sau là từ 1/10 của năm trước cho tới 30/9 năm sau. Các báo cáo khác như Bộ Công an hoặc Tòa án nhân dân hoặc Viện Kiểm sát nhân dân đều có mốc thời gian khác nhau, có bộ, ngành lấy 25/11, có bộ, ngành lấy 20 chẳng hạn, sau đó cập nhật cho nên số liệu chưa thống nhất, cần xem xét.
Ngọc Kim
Ý kiến bạn đọc