Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Lời hứa và sự hẫng hụt

Thứ tư - 15/02/2017 00:00 14 0

Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Lời hứa và sự hẫng hụt

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, nhất là HĐND cấp tỉnh được tăng lên khá nhiều. Không ít kỳ vọng về hiệu lực, hiệu quả, về tính thực quyền trong hoạt động của HĐND - đồng nghĩa với quyền dân chủ của người dân được phát huy. Nhưng, nếu thiếu sự tiếp tục sát sao, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức trách thì từ quy định pháp luật, từ kỳ vọng đến thực tế sẽ còn xa vời. Quy định về Văn phòng HĐND cấp tỉnh là một minh chứng.


Lời hứa của cơ quan soạn thảo?

 Những ý kiến tâm huyết của người trong cuộc không được quan tâm, dễ hiểu vì sao, Nghị định 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định 48) ngay khi vừa ban hành đã bị phản ứng gay gắt. Trong đó, mô hình Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo Nghị định không phù hợp với thực tế. Hơn nữa năm qua, Nghị định này vẫn chưa được thực hiện ở một số nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Từ số báo này, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ đăng tải ý kiến của những người gắn bó, am hiểu hoạt động của HĐND về những nội dung liên quan. Rất mong sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cơ quan chức năng để Nghị định 48/2016/NĐ-CP sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.


Từ khi chưa được ban hành, Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Thường trực, các ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các địa phương - những người trong cuộc, đối tượng chịu tác động trực tiếp. Rất nhiều ý kiến tâm huyết, lập luận thuyết phục về nhiều nội dung, nhất là việc cần thiết thành lập các phòng chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, giúp việc các hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Đây là mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực ở nhiều địa phương trong nhiệm kỳ qua; càng cần hơn khi tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND được tăng cường hơn rất nhiều.


Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biện chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh khi vừa được đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các địa phương, khi còn quá nhiều vướng mắc, nhất là việc phớt lờ các ý kiến đóng góp để quy định: Không thành lập các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Nội vụ là cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản QPPL. Tuy nhiên, cả về nội dung và việc góp ý đối với Dự thảo Nghị định này còn quá nhiều điều “tưởng như đùa”; thậm chí, có ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định là sản phẩm của một người không hiểu gì về tổ chức và hoạt động của HĐND ở địa phương (!)


Còn nhớ, khi nhiều địa phương đang rất bức xúc, chuẩn bị tâm thế cho nhiều ý kiến tranh luận thì, sáng 28.12.2015, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Tham dự hội thảo này có đại diện Thường trực, các ban HĐND, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi nghe nhiều ý kiến trực diện, một vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ - người chủ trì Hội nghị đã tiếp thu và khẳng định: Sẽ thành lập các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng, tên gọi, số lượng cụ thể các phòng sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến, và theo đại diện Bộ này, nên tổ chức thành 5 phòng.


Phát biểu này của đại diện Cơ quan soạn thảo ngay lập tức nhận được tràng pháo tay hoan nghênh của các đại biểu đại diện cho Thường trực, các ban HĐND, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành trong cả nước. Dư âm của Hội thảo còn lan tỏa khắp các tỉnh, thành về tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu của cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Rất nhiều ý kiến tranh luận, phản bác, thậm chí gay gắt cũng… dừng lại. Bởi vì, ai cũng mừng khi cơ quan soạn thảo đã tiếp thu. Còn nhớ, bữa cơm trưa do Bộ này chiêu đãi được tổ chức ở tầng hầm cơ quan tuy đạm bạc nhưng ai dùng cũng cảm thấy ngon, thấy vui nhiều người còn tấm tắc: Hội nghị rất thành công bởi tiếng nói đại diện cho những người trong cuộc đến từ mọi miền đất nước đã được tiếp thu.


Toàn cảnh Hội thảo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội 
Ảnh: Trần Hải

Nghiêm túc xem xét lại


Tuy nhiên, khi Nghị định 48 được ban hành thì sự hụt hẫng cũng bao trùm lên Cơ quan dân cử địa phương, nhất là các đại biểu HĐND chuyên trách, bộ phận tham mưu, giúp việc cho HĐND. Hụt hẫng bởi lời hứa của đại diện cơ quan soạn thảo đã không được thực hiện, nhất là việc thành lập các phòng chuyên môn. Theo Nghị định, chỉ có Phòng Tổng hợp và Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị. Mỗi phòng có 1 Trưởng phòng và một Phó Trưởng phòng (Điều 4). Nghịch lý ở chỗ: Nhiệm vụ được tăng lên rất nhiều (do cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND được tăng lên theo hàng loạt các quy định mới về tổ chức và hoạt động của HĐND, nhất là việc tăng số đại biểu chuyên trách), nhưng bộ phận tham mưu, giúp việc không những không được giữ nguyên mà còn bị rút xuống với những lý do thật khó thuyết phục.


Nghịch lý hơn khi nhìn sang Văn phòng UBND tỉnh - 2 cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ tương đương cấp sở. Đó là chưa kể, UBND còn là cơ quan chấp hành, chịu sự giám sát của HĐND. Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23.10.2015 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định Văn phòng UBND tỉnh có tổ chức phòng với số lượng từ 8 -12 phòng chuyên môn, nếu địa phương nào có nhu cầu thì có thể thành lập thêm 2 phòng đặc thù!? Trong khi đó, tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh còn có hơn 20 sở, ban, ngành...


Việc tham vấn ý kiến nhân dân ngày càng được chú trọng để nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực hiện các văn bản QPPL, thì một Nghị định liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ quan đại diện của dân lại không tiếp thu đầy đủ những ý kiến tâm huyết của người trong cuộc là điều khó chấp nhận. Hơn nữa, nội dung của Nghị định 48 về mô hình, tổ chức Văn phòng HĐND cấp tỉnh không phù hợp với thực tế và các quy định của Hiến pháp, pháp luật về tăng cường tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Một văn bản như vậy cần phải nghiêm túc xem xét lại. Đó là mong muốn của hầu hết những người gắn bó, đau đáu với hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương.


Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh chỉ phát huy hiệu lực, hiệu quả khi quá trình xây dựng, ban hành phải thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, không ngoài mục đích tham mưu, phục vụ đắc lực cho HĐND cấp tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu tăng đại biểu chuyên trách HĐND cấp tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà lại giảm bộ máy tham mưu, giúp việc theo Nghị định, ai sẽ bảo đảm tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của Nghị định? Việc tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, có đề án sắp xếp, tổ chức lại toàn diện, thống nhất cơ cấu tổ chức của toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu, giúp việc chính quyền địa phương, chứ không chỉ thực hiện đối với Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

NGUYÊN PHƯƠNG
(nguồn Báo điện tử Đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay14,177
  • Tháng hiện tại265,698
  • Tổng lượt truy cập2,751,567
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây