* Nội dung câu hỏi: Cử tri kiến nghị một số khó khăn khi thực hiện tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cụ thể như:
+ Đối với chỉ tiêu 5.1: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 là 100% và có ít nhất 01 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Tiêu chí số 5 về trường học thì xã đạt chuẩn nông thôn mới mỗi cấp học chỉ cần có một trường đạt chuẩn nông thôn mới thì đánh giá đạt (đối với những điểm trường phụ: Không xây dựng các phòng chức năng ở mỗi điểm trường, chỉ xây dựng ở điểm chính, riêng điểm phụ ngoài phòng học cần xây thêm phòng giáo viên, khu vệ sinh (giáo viên và học sinh) và cổng, hàng rào, cột cờ). Do đó, khả năng đạt tiêu chí 5 về giáo dục đối với các xã nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 rất khó khăn do chi phí đầu tư xây dựng cho một điểm trường rất lớn trong khi đó kinh phí phân bổ về cho địa phương hằng năm có giới hạn.
+ Đối với chỉ tiêu 5.6: Có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để thống nhất chung cho các địa phương thực hiện.
+ Đối với chỉ tiêu 5.3: Tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên (quy định đạt 60% trở lên) trong bộ tiêu chí huyện NTM nhưng hiện nay tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên ở địa phương còn thấp so với chỉ tiêu đưa ra. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên trên cơ sở số lượng trường THPT trên huyện.
* Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định sổ 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022. Chương trình với mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dụng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sang, xanh, sạch đẹp an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình, nâng cao chất lượng của các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dụng nông thôn mới (trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) với các mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiêu mẫu. Các Bộ tiêu chí nêu trên đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và có tính toán các chỉ tiêu phù hợp với các vùng kinh tế - xã hội khác nhau, tạo điều kiện cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo các mức độ.
Về mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động xác định mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và đặc điểm văn hóa dân tộc, do đó, trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới đã giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể theo hướng xã hội hóa, phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm văn hóa từng dân tộc, lứa tuổi của học sinh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm tính thực chất, bền vững của Chương trình, định hướng xây dụng nông thôn mới của địa phương, đồng thời, bảo đảm việc thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT đã đề nghị các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia với các nhiệm vụ, giải pháp: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; lập quy hoạch xây dựng trường, đảm bảo quỹ đất cho các trường học; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
TTR
Ý kiến bạn đọc