Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thực hiện quy chuẩn mới theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế

Thứ ba - 28/02/2023 08:45 174 0

* Nội dung câu hỏi: Việc thực hiện quy chuẩn mới theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và ăn uống có hiệu lực từ ngày 15/6/2019, thay thế cho quy chuẩn cũ nên một số địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, yêu cầu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt tỷ lệ từ 65% trở lên. Thực tế hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung theo quy chuẩn của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt 28,24%, ước đến hết năm 2021 đạt gần 30%. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét lại quy chuẩn trên (Sở ngành).

* Nội dung Bộ Y tế trả lời:

Điều 60 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt được quy định “Bộ Y tế chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt”, “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước tại địa bàn quản lý, bảo đảm các dịch vụ cấp nước đầy đủ, có sẵn để sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của cộng đồng”. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt phải bảo đảm quy chuẩn nước sạch do Bộ Y tế ban hành.

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Quy chuẩn này chỉ quy định các thông số mà nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt phải đạt được để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Các thông số này được xây dựng dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về ngưỡng giới hạn đối với các thông số chất lượng nước sạch và tình hình thực tế tại Việt Nam. Để bảo đảm Quy chuẩn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Thông tư số 41/2018/TT-BYT đã quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, trong đó có thể quy định số lượng thông số ít hơn số lượng thông số quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT tuỳ theo kết quả khảo sát nguồn nước đầu vào cho các công trình cấp nước tại địa phương (Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương bao gồm tối thiểu là 8 thông số và tối đa là 99 thông số). Do vậy, Thông tư số 41/2018/TT-BYT nêu trên đã có đủ các quy định linh hoạt để không gây khó khăn cho hoạt động cấp nước tại địa phương. Thực tế đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt[1]. Đối với những tỉnh, thành phố chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương sẽ áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Bên cạnh đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch cũng sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung 5 năm một lần theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

TTR

[1] Nghệ An (99 thông số), Thanh Hóa (30 thông số), Hải Dương (41 thông số), Bắc Ninh (54 thông số), Bắc Giang (35 thông số), Long An (45 thông số), Bình Định (34 thông số), Ninh Thuận (60 thông số), Ninh Bình (33 thông số), Trà Vinh (36 thông số), Thừa Thiên Huế (35 thông số), Yên Bái (32 thông số), Bến Tre (38 thông số).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,346
  • Tháng hiện tại54,494
  • Tổng lượt truy cập911,849
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây