Theo quy định tại Điều 87 Luật tổ chức chính quyền địa phương và Điều 58 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì, HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua các hoạt động: xem xét các báo cáo công tác, xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp, xem xét văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề... Trong đó, giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; là hình thức giám sát chuyên sâu về một lĩnh vực, nhằm thu thập những thông tin mang tính toàn diện, đầy đủ và có tính hệ thống, qua đó giúp cơ quan dân cử quyết định những chủ trương, chính sách, giải pháp sát, đúng yêu cầu thực tế.
Việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề được HĐND huyện giao cho Thường trực HĐND huyện chủ trì; tại Kỳ họp giữa năm HĐND huyện thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của năm sau; đến năm sau Thường trực HĐND huyện sẽ tiến hành triển khai giám sát.
Quang cảnh buổi thường Trực HĐND huyên làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát
Nhìn chung, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện thời gian qua đã bám sát các quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kế hoạch giám sát được xây dựng hợp lý, thành viên tham gia giám sát có năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp. Phương pháp giám sát đã có những cải tiến, kết hợp nghe báo cáo với xem xét thực tế tại địa phương, cơ sở. Các cuộc giám sát đều có sự phối hợp giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND cấp xã.
Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện trong thời gian qua có tác động tích cực rõ nét trong việc tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, chỉ ra những việc chưa làm được, giúp cho các cấp, các ngành thấy được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND huyện. Nhiều kiến nghị sau giám sát của HĐND huyện đã được UBND huyện tiếp thu và chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Tuy nhiên thời gian qua Thường trực HĐND huyện nhận thấy hiệu quả qua giám sát thường xuyên chưa cao, chưa giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, kéo dài của địa phương nên đã nâng lên thành giám sát chuyên đề của HĐND huyện. Trước khi giám sát, Thường trực HĐND huyện tiến hành khảo sát 01 số vụ việc khiếu nại kéo dài. Thường trực HĐND đã họp lại đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề bức xúc của người dân; phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đeo bám việc thực hiện kiến nghị qua giám sát, khảo sát, đến nay giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc của nhân dân.
Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện cũng còn nhiều nội dung cần rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới để các cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả cao hơn. Phương thức giám sát dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập; Một số kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời; thậm chí có một số kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát hiện nay thiếu chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chịu giám sát không thực hiện việc khắc phục hạn chế theo kiến nghị sau giám sát.
Thường trực và 2 Ban HĐND huyện khảo sát thực tế tuyến đường Xóm Bố- Bàu Đồn
Để phát huy hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện trong nhiệm kỳ 2021 -2026, Hội đồng nhân dân huyện cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát: Cần nghiên cứu chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và đối tượng giám sát. Nội dung giám sát cần được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Việc lựa chọn đúng nội dung giám sát, đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, nội dung phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.
Xây dựng kế hoạch giám sát phải chặt chẽ, có chất lượng; đề cương đặt ra phải sát với yêu cầu, trong đó gợi ý đề cương phải chính xác, có thể cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung giám sát.
Thứ hai, cần đổi mới phương thức giám sát: Trước khi giám sát cần tiến hành khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến chuyên đề để phục vụ cho việc giám sát. Quá trình tổ chức giám sát, ngoài giám sát qua báo cáo phải gắn liền với giám sát thực tế, khảo sát các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát;...
Việc trao đổi làm rõ các thông tin qua báo cáo, qua xem xét thực tế và ý kiến của người dân, cơ quan, tổ chức có liên quan giữa chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát là rất cần thiết để từ đó có nhận định, đánh giá khách quan, đúng thực tế; kết luận giám sát chính xác và kiến nghị phù hợp.
Thứ ba, mở rộng thành phần tham gia Đoàn giám sát: Ngoài thành phần chính tham gia giám sát là Thường trực HĐND huyện, thành viên các Ban của HĐND huyện thì tùy theo tính chất chuyên đề giám sát, có thể mời thêm những người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát, những người có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc nội dung giám sát, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để tranh thủ được những hiểu biết và kinh nghiệm của đội ngũ này phục vụ cho việc giám sát.
Thứ tư, báo cáo, kết luận giám sát phải đảm bảo trung thực, khách quan, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của Đoàn giám sát. Những kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, có tính khả thi để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện.
THƯỜNG TRỰC HĐND HUYỆN GÒ DẦU
Ý kiến bạn đọc