Trong thời gian qua, các Nghị quyết của HĐND Thành phố được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, đánh giá được tổng thể thực trạng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố, đồng thời đề ra được các mục tiêu, nhóm chỉ tiêu và hệ thống các giải pháp để HĐND, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên. Nhờ xác định được trọng tâm, sát tình hình thực tiễn, nên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt so với nghị quyết đầu năm đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Để việc ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành, Thường trực HĐND Thành phố chú trọng vào một số nội dung sau: xác định thẩm quyền ban hànhNghị quyết theo Điều 30 Luật Luật ban hành văn bản QPPL và các văn bản quy định có liên quan; thực hiện chặt chẽ theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và các Nghị định quy định chi tiết của Luật ban hành văn bản QPPL; xác định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện nghị quyết; nội dung nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, sát với tình hình thực tế của địa phương; thể thức, kỹ thuật trình bày nghị quyết đảm bảo theo quy định của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ, … ; phân công, lãnh đạo các Ban của HĐND thẩm tra tính hợp hiến và hợp pháp, tính thống nhất và khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố thời gian qua đã cung cấp kịp thời những thông tin quan trọng làm cơ sở cho đại biểu nghiên cứu, xem xét trước khi quyết nghị thông qua nghị quyết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành nghị quyết của HĐND Thành phố.
Đối với Nghị quyết cá biệt thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ban hành đối với loại văn bản này. Do đó, Thường trực HĐND Thành phố căn cứ các quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và vận dụng quy trình ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật để phân công các Ban của HĐND thẩm tra trước khi trình HĐND thảo luận, biểu quyết thông qua.
Đạt được kết quả nêu trên, là do sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng chủ trương của cấp ủy Đảng; Thường trực HĐND thành phố đã tập trung lãnh đạo việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết từ khâu soạn thảo, thẩm tra, gợi ý, điều hành phiên thảo luận và biểu quyết thông qua đảm bảo tính khái quát cao, đáp ứng các yêu cầu cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: một số nghị quyết ban hành còn có sai sót về kỹ thuật trình bày hoặc nội dung còn chung chung, thiếu cụ thể, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật có nội dung chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục các bước theo quy định,…
Nguyên nhân của những hạn chế do: các cơ quan tham mưu được phân công chuẩn bị dự thảo nghị quyết có việc, có lúc chưa đảm bảo thời gian và trình tự, thủ tục theo quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND thành phố; đại biểu HĐND phần lớn chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu để tham gia góp ý cho các dự thảo nghị quyết;chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ban hành đối với nghị quyết cá biệt.
Các đại biểu HĐND thông qua nghị quyết
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Tây Ninh rút ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, để các Nghị quyết của HĐND phát huy hiệu quả thiết thực cần xác định nội dung, lĩnh vực phải ban hành nghị quyết, trong đó nêu rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND phải bảo đảm thực hiện đúng quy định.
Thứ hai, Thường trực HĐND thành phố phối hợp với UBND, UBMTTQVN Thành phố thống nhất về nội dung kỳ họp trong phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND, đồng thời đề nghị UBND thành phố thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp hoạt động, theo đó tất cả tờ trình, dự thảo nghị quyết và các văn bản liên quan trình HĐND phải gửi chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Thứ ba, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua nghị quyết của HĐND. Báo cáo thẩm tra của các Ban cần tập trung phân tích, phản biện và nêu rõ chính kiến của các Ban HĐND. Các báo cáo thẩm tra phải thực sự là cơ sở tin cậy để các đại biểu HĐND thảo luận và quyết định.
Do đó, trên cơ sở dự kiến chương trình kỳ họp được thống nhất, Thường trực HĐND sớm phân công, định hướng các Ban tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực nghị quyết sẽ ban hành. Bên cạnh đó, các Ban của HĐND cần chủ động phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND trong việc chuẩn bị nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo nghị quyết cho kỳ họp; tham dự các cuộc họp do UBND tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo, dự thảo nghị quyết.
Trong quá trình tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết nếu thấy chưa đảm bảo yêu cầu, các vấn đề quan trọng quan điểm còn trái ngược nhau thì các Ban trao đổi, thống nhất và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa; kịp thời báo cáo Thường trực HĐND các nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn để bàn bạc và thống nhất với UBND hướng xử lý.
Đối với những vấn đề lớn, Thường trực HĐND chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và các đối tượng chịu sự tác động hoặc đề nghị Mặt trận Tổ chức tổ chức phản biện xã hội để có thêm thông tin cung cấp cho đại biểu HĐND có cơ sở quyết nghị.
Thứ tư, vai trò của đại biểu HĐND có ý nghĩa quan trọng trong việc thảo luận và quyết định thông qua nghị quyết tại các kỳ họp của HĐND. Vì vậy, Thường trực HĐND cần quan tâm tập huấn kỹ năng, thường xuyên cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức cho đại biểu. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND chuyển tài liệu cho đại biểu trong thời gian sớm nhất, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, tham gia góp ý. Phát huy vai trò của Tổ đại biểu và Tổ trưởng Tổ đại biểu trong việc phân công đại biểu nguyên cứu tài liệu, tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung trình kỳ họp HĐND.
Hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện là hết sức quan trọng và cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng địa phương, đòi hỏi HĐND cấp huyện phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi, đi vào thực tế cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
TT. HĐND thành phố Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc