Thực hiện Chương trình giám sát năm 2024, sáng ngày 11/9, Đoàn Công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2023. Tham dự buổi giám sát có bà Nguyễn Đài Thy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu là thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo chuyên trách Ban Pháp chế.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của các ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các cấp. Tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cấp xã đảm bảo theo quy định.
Về công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm: Giai đoạn 2022 - 2023, đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, toàn tỉnh, đã cấp 979 Giấy chứng nhận, trong đó lĩnh vực ngành Y tế đã cấp 723 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP (132 cơ sở sản xuất, 591 dịch vụ ăn uống); Lĩnh vực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 169 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; Lĩnh vực ngành Công thương đã cấp 87 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP (32 cấp mới, 55 cấp lại).
Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng chú trọng và tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với 1.065 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó lĩnh vực Y tế đã tiến hành kiểm tra 472 cơ sở (trong đó 172 tổ chức, 300 cá nhân), kết quả có 26/472 cơ sở vi phạm (03 tổ chức, 23 cá nhân), tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính 86.718.000 đồng (tổ chức: 16.500.000 đồng, cá nhân: 70.218.000 đồng); Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra 509 cơ sở sản xuất , kinh doanh thực phẩm, lấy 877 mẫu kiểm nghiệm chất lượng, kết quả có 61/509 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm ATVSTP, 149/877 mẫu không đạt chất lượng, xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt 29 trường hợp với số tiền 677.063.000 đồng, đồng thời chuyển 02 trường hợp qua Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng, 03 trường hợp qua Sở Công thương xử phạt vi phạm hành chính với số tền 48.000.000 đồng; Lĩnh vực Công thương đã tiến hành kiểm tra 84 cơ sở, kết quả có 15/84 cơ sở vi phạm hành chính về ATVSTP, tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính 158.000.000 đồng (trong đó có 01 cơ sở chuyển Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý với số tiền 6.000.000 đồng, 01 cơ sở chuyển Sở Y tế xử lý với số tiền 35.000.000 đồng).
Công tác giám sát, xử lý ngộ độc thực phẩm được thực hiện chủ động, kết quả, giám sát ATVSTP tại các cuộc họp, hội nghị được tổng số 48 bữa ăn với 10.909 suất ăn; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm 198 mẫu (mẫu đạt 172 mẫu, mẫu không đạt 26 mẫu, tỷ lệ đạt chiếm 86,86%); ngộ độc thực phẩm xảy ra 07 vụ làm 21 người mắc, 02 người tử vong tại huyện Tân Biên (năm 2023) nguyên nhân do ăn phải nấm độc tự hái; Công tác phối hợp liên ngành trong quản lý ATVSTP được chú trọng thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý ATVSTP như: công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP đã thực hiện nhiều nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn vi phạm, đề xuất của ngành về giải pháp để khắc phục trong thời gian tới; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với nhóm đồ uống có cồn, những mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc lưu hành ngoài thị trường; công tác quản lý ATVSTP kinh doanh trên không gian mạng, giải pháp và đề xuất kiến nghị của ngành trong thời gian tới; tình trạng rau hai luống, lợn 2 chuồng trong kỹ thuật sản xuất vẫn đang diễn ra khá phổ biến, trước thực trạng trên ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch và hành động như thế nào để khắc phục; phương án ứng phó đối với trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, có sự điều hòa phối hợp, hạn chế thấp nhất việc trùng lắp cơ sở kinh doanh được kiểm tra trong cùng một năm; nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo tuyến huyện, xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSTP ở các cấp; chủ động tăng cường công tác phối hợp với UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và các doanh nghiệp trong sử dụng và lưu hành sản phẩm; tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu lại việc phân công công tác quản lý nhà nước về ATVSTP theo chuyên môn thay vì phân công công tác quản lý nhà nước về ATVSTP theo địa bàn như hiện nay; tham mưu UBND tỉnh đầu tư nguồn kinh phí hơn nữa đối với công tác quản lý ATVSTP, xây dựng một đơn vị đảm bảo các chỉ tiêu, điều kiện chịu trách nhiệm kiểm nghiệm trên địa bàn tỉnh; kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về ATVSTP theo hướng đồng bộ, một đầu mối.
Võ Nhung
Ý kiến bạn đọc