Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh (kỳ họp chuyên đề). HĐND tỉnh đã chia thành 02 Tổ thảo luận các dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp.
Qua phần thảo luận tổ, với sự có mặt của 49/51 đại biểu HĐND tỉnh và các sở, ngành tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố tham dự tại 02 tổ thảo luận. Đã có 10 đại biểu phát biểu với 30 ý kiến, giải trình 18 ý kiến, ghi nhận 12 ý kiến xoay quanh 03 Nghị quyết. Trong quá trình thảo luận, đa số các đại biểu thể hiện sự thống nhất với các tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, các đại biểu cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ ra những vấn đề cần giải trình làm rõ như:
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và một số chế độ chính sách, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đại biểu đề nghị thống nhất quy trình ban hành Đề án trước hay ban hành Nghị quyết về tiêu chí thành lập trước; Tại Khoản 2, Điều 4 chỉ quy định thẩm quyền đối với Chủ tịch UBND cấp xã hoặc công an cấp xã vì công an cấp huyện không có thẩm quyền huy động lực lượng; Khoản 2, Điều 4: “…. trường hợp thật sự cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp huyện quyết định huy động cao hơn số ngày nêu trên)”. Cấp nào huy động thì cấp đó trả tiền, vì vậy khi Trưởng Công an cấp huyện huy động thì ngân sách thực hiện như thế nào? Tại Điều 4; khoản 1, khoản 2 Điều 5; Điều 6, Điều 7 sử dụng chưa thống nhất các cụm từ “người tham gia tổ bảo vệ ANTT”; “thành viên tổ bảo vệ ANTT cơ sở”; “người tham gia lực lượng bảo vệ ANNT cơ sở”… Kiến nghị sử dụng 1 cụm từ thống nhất; Tại khoản 1 Điều 6, đề nghị bỏ từ “tai nạn”; Tên của Điều 7 “Hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ”. Nhưng tại khoản 2, Điều 7, lại quy định trường hợp “đã tham gia bảo hiểm xã hội”. Đề nghị điều chỉnh tên cho thống nhất; Khoản 1, Điều 8, việc ấn định số lượng trang bị bàn ghế và giường cá nhân thì sẽ khó thực hiện vì sẽ có một số địa phương thiếu nhưng không thể mua thêm được. Kiến nghị quy định mở theo Nghị định số 40/2024/NĐ-CP, để ở cơ sở thực hiện sẽ không bị vướng; Tại khoản 3, Điều 8, Đề nghị ghi cụ thể thực hiện nội dung chi, mức chi theo Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND; Đề nghị cân nhắc khi quy định “hỗ trợ không quá 10 ngày/người/tháng” vì đối với những địa bàn trọng điểm có thể làm nhiệm vụ hơn 10 ngày; Đề nghị tại Điều 10: Tổ chức thực hiện bổ sung thêm từ “này” sau cụm từ nghị quyết, cụ thể: “Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định”.
Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 1
Đối với dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đại biểu có nêu trong đề án có nêu những khó khăn hiện nay lực lượng thiếu từ 6.689 đến 13.455 người, nguyên nhân đưa ra là do chế độ chính sách không đảm bảo nên khó thu hút. Tuy nhiên trong giải pháp thực hiện đề án chưa nêu rõ giải pháp khắc phục khó khăn, kiến nghị bổ sung.
Nghị quyết ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Công thương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đối với danh mục, đưa mục số 8 của phần 2 và mục số 1 của phần 3, đại biểu đề nghị đưa qua phần ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ.
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc