* Nội dung câu hỏi: Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi vi phạm pháp luật hình sự để có những quy định, những biện pháp xử lý hình sự nghiêm minh và hiệu quả hơn.
* Bộ Công an trả lời như sau:
Hiện nay, pháp luật hình sự nước ta xác định đa số các tội phạm về ma túy là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (trong đó, 9/13 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình; 03 tội danh từ 10 đến 15 năm tù giam; 01 tội danh đến 7 năm tù giam).
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) không quy định tội danh sử dụng trái phép chất ma túy với quan điểm nghiện ma túy là một loại bệnh và người nghiện ma túy cần phải được áp dụng các biện pháp cai nghiện, chữa bệnh. Việc xử lý người sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay được áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 30/3/2021 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính thông qua ngày 13/11/2020.
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung Chương IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”; sửa đổi toàn diện Chương V “Cai nghiện ma túy”. Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định (Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021; Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 8/12/2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021), Bộ Y tế đã ban hành Thông tư sổ 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy. Các văn bản quy phạm pháp luật này cùng với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành góp phần cụ thể hóa việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, đủ để quản lý, xử lý các vấn đề về người nghiện; trong đó có các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng răn đe, nghiêm khắc hơn, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Qua hơn 1 năm triển khai cho thấy, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bước đầu giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc quản lý người sử dụng trái phép ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính mà là biện pháp phòng ngừa từ sớm nhằm ngăn chặn, giúp người sử dụng trái phép ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép ma túy, hạn chế gia tăng người nghiện mới, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là tình trạng loạn thần, “ngáo đá” khi sử dụng ma túy tổng hợp, gây mất an ninh trật tự, gây tai nạn giao thông hoặc các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Bộ Công an đề nghị và mong muốn cử tri, Nhân dân tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; phối hợp, hỗ trợ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại gia đình, khu dân cư.
TTR (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc