Tiếp tục theo chương trình giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”, sáng ngày 26/02/2024, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh. Đoàn giám sát do ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì, cùng dự có bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Nguyễn Đài Thy – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, UBND tỉnh đã tích cực triển khai, quán triệt chủ trương, chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập: Trong giai đoạn 2015-2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm đạt tỷ lệ 17,33% vượt hơn so với mục tiêu (10%) của Nghị quyết đề ra và trong giai đoạn 2015-2023 đạt 20,74%. Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tỉnh đã thực hiện cắt giảm đạt tỷ lệ 11,01% so với số lượng người làm việc được phê duyệt năm 2015 (vượt so với mục tiêu Nghị quyết là 10%);…
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: việc sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế gần như mang tính cơ học, chưa đồng bộ và tiến hành song song với đổi mới phương thức quản lý, điều hành, quản trị, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư chất lượng dịch vụ nên kết quả hoạt động sau sáp nhập còn nhiều lúng túng, chưa đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ giảm người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 3,44% (không đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết là 10%). Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết (chỉ đạt 7%). Tự chủ tài chính còn nhiều hạn chế, hoạt động khó khăn; sự năng động, sáng tạo của các đơn vị tự chủ chưa rõ nét, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công lập rất hạn chế,…
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi giám sát, Ủy ban nhân tỉnh giải trình và báo cáo thêm về những vấn đề mà Đoàn Giám sát quan tâm như: khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; công tác xử lý các trụ sở dôi dư sau sắp xếp; bài học kinh nghiệm sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW;...
Kết luận tại buổi giám sát, ông Phạm Hùng Thái chia sẻ những khó khăn, của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trưởng đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, số liệu báo cáo theo đề cương và yêu cầu của đoàn. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục rà soát, nỗ lực thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch đã đề ra; thực hiện theo tinh thần rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới; giảm về đầu mối, sắp xếp tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả làm việc; đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công./.
Nhật Linh
Ý kiến bạn đọc