Tiếp tục chương trình giám sát, chiều ngày 02/4/2024, Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với Công an tỉnh về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh; ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn; bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Tỉnh ủy viên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát; tham gia Đoàn giám sát còn có các vị ĐBQH tại địa phương, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian qua của ngành đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu và các giải pháp đảm bảo TTATGT của Trung ương và kế hoạch triển khai đảm bảo TTATGT của Ban Chỉ đạo tại địa phương; Kịp thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; Công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm TTATGT được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên mở các đợt cao điểm vào dịp lễ Tết để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông; xử lý nghiêm các phương tiện thủy chở hàng hóa quy định; phối hợp tốt với Đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ với nhiều cách thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng; Ngành cũng đã phối hợp tốt với cơ quan thông tấn, báo chí, các sở ban ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, công tác tập huấn cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân sinh sống tại các bến thủy và sinh sống ven sông, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT…để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho nhiều đối tượng trong tỉnh.
Đại tá Trần Văn Luận – Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo với Đoàn giám sát
Tuy nhiên, công tác đảm bảo TTATGT cũng còn một số hạn chế, bất cập như: Mặc dù số vụ tai nạn giao thông giảm qua từng năm, nhưng trong năm 2022, 2023 số vụ và số người chết tăng cao so với các năm trước, trong khi ngành triển khai nhiều đợt tuần tra, lập chốt, đây cũng là điều đáng lo ngại trong việc triển khai TTATGT trong năm 2024 và những năm tiếp theo; Số vụ tai nạn giao thông tuy có được kiềm chế nhưng từng thời điểm vẫn còn tăng đột biến (số liệu 2 thị xã mà Đoàn giám sát tăng đều qua các năm). Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tồn tại nhiều năm cho thấy hiệu quả của các giải pháp chưa hiệu quả. Công tác thanh tra phối hợp với các ngành nhiều nhưng hiệu quả chưa sâu, chưa tạo được nhiều chuyển biến, góp phần giảm vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Công tác phối hợp tuyên truyền đối với đối tượng học sinh còn hạn chế; tình trạng học sinh đi xe gắn máy dung tích xi lanh trên 50cc còn phổ biến, tình trạng sử dụng xe đạp điện “Độ” chạy tốc độ cao, vượt ẩu, thiếu quan sát gây mất ATGT cao; Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập để tổ chức đua xe trái phép chưa được ngăn chặn kịp thời; Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn nhiều, chưa thực hiện cưỡng chế; Tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu nhiều năm lưu trữ ở kho, quá hạn xử lý…chưa được xử lý kịp thời, gây lãng phí xã hội; Tình trạng xe chở quá tải nhưng luôn tìm cách đối phó với lực lượng tuần tra; việc chở vật liệu cát, đất rơi vãi trên đường xảy ra khá phổ biến, nhưng số vụ vi phạm được cảnh sát giao thông phát hiện xử lý còn ít so với thực tế nhất là tình trạng xe chở quá tải trên các tuyến đường gần mỏ cát, bãi tập kết vật liệu xây dựng gây mất ATGT, hư hỏng, xuống cấp nhiều tuyến đường.
Ông Phạm Hùng Thái – Trưởng đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Phạm Hùng Thái – Trưởng đoàn giám sát ghi nhận kết quả triển khai thực hiện của ngành trong thời gian qua, đồng thời đề nghị một số nội dung cần lưu ý trong thời gian tới như:
Khảo sát các tuyến đường, thời gian, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, những tuyến đường, khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, những điểm đen thường xảy ra tai nạn giao thông, để kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng phân luồng, nâng cấp kịp thời, lắp đặt biển báo, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng…;
Thống kê những lỗi phổ biến của người tham gia giao thông để có hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng; Công tác tuyên truyền có chiều sâu, đúng đối tượng, nếu cần thiết thì trao đổi với các doanh nghiệp, công ty, Xã đoàn tại địa phương phối hợp tuyên truyền theo chuyên đề thời lượng 5 đến 10 phút về những lỗi gây tai nạn giao thông nhiều nhất, hậu quả vi phạm giao thông gây ra, những điều cần lưu ý khi tham gia giao thông…
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc xử lý các phương tiện vi phạm (như nộp phạt tại chỗ, nộp qua tài khoản ngân hàng, nộp trực tuyến); đổi mới phương thức tuần tra kiểm soát vi phạm (như lắp đặt camera giám sát) phạt nguội khi người tham gia giao thông vi phạm. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát điều hành giao thông; đồng thời có sự chia sẻ, khai thác dữ liệu để sử dụng xử phạt, giám sát thông qua camera để kịp thời phát hiện, xử lý người tham gia giao thông vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT; để trích xuất tìm ra đối tượng vi phạm nhanh chóng, kịp thời.
Cần xử lý nhanh, sớm khắc phục giải quyết, thu dọn hiện trường các vụ tai nạn giao thông để không tiếp tục gây mất an toàn giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn.
Tập trung nghiên cứu việc tịch thu bán đấu giá các phương tiện giao thông bị tạm giữ; xử lý nghiêm việc chống người thi hành công vụ cũng như hành vi cán bộ nhũng nhiễu, coi thường pháp luật.
Chú trọng công tác phối hợp giữa lực lượng công an với thanh tra chuyên ngành, thanh tra giao thông và các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT, an ninh trật tự trong thời gian tới.
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc