* Nội dung câu hỏi: Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã có hiệu lực thi hành hơn 03 năm. Tuy nhiên, việc phổ biến rộng rãi Nghị định đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân còn hạn chế. Từ đó dẫn đến việc thực hiện công tác của Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ gặp rất nhiều khó khăn. Bước đầu thực hiện công việc tống đạt cho Toà án nhân dân các cấp gặp nhiều khó khăn đến từ nhận thức về nghề Thừa phát lại từ phía người dân và cán bộ công chức.
Hoạt động Thừa phát lại cũng còn khá mới mẻ đối với người dân địa phương. Hầu hết người dân tìm đến Thừa phát lại chỉ để yêu cầu lập Vi bằng tạo nguồn chứng cứ cho các giao dịch mà họ tham gia, các hoạt động khác của Thừa phát lại chưa được người dân thực sự hiểu rõ, nhất là hoạt động xác minh thi hành án và thụ lý tổ chức thi hành án.
Về chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Thừa phát lại: một bộ phận đa số chưa thật sự am hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nghiệp vụ Thừa phát lại, chưa thật sự hiểu rõ về nghiệp vụ Thừa phát lại cũng như giá trị pháp lý của việc lập Vi bằng.
Bên cạnh đó, khung mức phí chi cho việc tống đạt văn bản theo quy định Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc. Trong khi để tổ chức tống đạt được, các Văn phòng Thừa phát lại cần phải có một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ tương đối nhiều chi phí rất lớn, nhưng hiện tại mức phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP quá thấp so với thực tế.
Kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, tổng hợp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:
+ Cần tăng mức chi phí tống đạt cho phù hợp với tình hình thực tế. Vì có rất nhiều trường hợp phải thực hiện tống đạt nhiều lần nới thực hiện xong.
+ Bổ sung thêm trường hợp thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại khi không đảm bảo nhân sự theo Đề án đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại vào khoản 1 Điều 31 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
* Nội dung Bộ Tư pháp trả lời:
Ngày 07/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 967/QĐ- BTP ban hành Kế hoạch sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, xác định nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại.
TTR
Ý kiến bạn đọc