* Nội dung câu hỏi: Hiện nay, hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân tuy khác nhau nhưng đều có một cơ số trung bình để đánh giá khả năng có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật hiện nay đối với một số ngành, lĩnh vực chỉ đơn thuần đưa ra quy trình, thủ tục, thời gian nhưng chưa đánh giá về khả năng hoàn thành nếu như khối lượng phát sinh lớn trong cùng một thời điểm[1].Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó trọng tâm là phải sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành mình, tự động hóa các thủ tục tra cứu, truy lục để giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ, cũng như xem xét cân đối việc tăng/giảm biên chế hợp lý, nơi cần tăng thì phải tăng, nơi cần giảm thì phải giảm để vừa đáp ứng mục tiêu tinh giản biên chế, vừa đảm bảo công việc, không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, hiệu quả chưa cao.
* Nội dung Văn phòng Chính phủ trả lời:
Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, đổi mới việc thực hiện, nâng cao năng suất lao động. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định TTHC (cả TTHC nội bộ và TTHC cho người dân, doanh nghiệp); tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC; đặc biệt, triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để xây dựng các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành “đúng, đủ, sạch, sống”; cấu trúc lại quy trình TTHC trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử để tự động hóa, cắt giảm TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động trong thực hiện TTHC. Ví dụ như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 63/63 địa phương giúp cắt giảm các giấy tờ công dân như: số hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, bản sao căn cước công dân, cũng như bỏ các thủ tục hành chính về xác nhận cư trú trong thực hiện TTHC cho người dân,...
Về biên chế, Bộ Chính trị đã phê duyệt biên chế công chức đối với từng địa phương đến năm 2026, trong đó có tỉnh Tây Ninh (tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026). Đồng thời, tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức đã quy định các căn cứ đế xác định biên chế công chức và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao và triển khai thực hiện sau khi được Hội đồng nhân dân quyết định. Do vậy, việc quyết định số biên chế của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định.
Song song với các giải pháp trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó đã áp dụng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo hướng cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hàng tháng phải công khai kết quả đánh giá, danh sách đơn vị, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ hoặc thực hiện không đúng quy định trong giải quyết TTHC, kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa việc một số cá nhân lợi dụng để không làm việc, cố ý ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hợp thức hóa thủ tục như ý kiến của cử tri.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, quy định kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, rà soát TTHC nội bộ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.
3. Rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, trong đó ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau; định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan có vi phạm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
TTR
[1] Ví dụ: về thủ tục hành chính ngành tài nguyên, với số lượng hồ sơ dao động từ hàng chục nghìn trở lên một năm với biên chế hiện tại thì việc đảm bảo thời gian tiêu chuẩn trong quy trình là rất khó khăn; hay trong thủ tục thẩm định gói thầu, dự án của một số ngành như tài chính, xây dựng,… cũng gặp hạn chế nếu khối lượng hồ sơ trong cùng thời gian tăng, thời gian xử lý ngắn, từ đó nếu xảy ra hậu quả từ sai sót, sai phạm thì có thể hủy hoại sự nghiệp chính trị của một con người. Mặt khác, thực trạng trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ một số cá nhân lợi dụng khó khăn để không làm việc, cố ý ngâm hồ sơ để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hợp thức hóa thủ tục.
Ý kiến bạn đọc