* Nội dung câu hỏi: Trong thời gian qua, thể chế về giám định tư pháp không ngừng được củng cố, hoàn thiện, từ Pháp lệnh về giám định tư pháp năm 2004, Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến Luật Giám định tư pháp năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2013, Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản khác có liên quan đã quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp. Tuy nhiên, cho đến nay còn một số văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp của một số bộ, ngành chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể, chẳng hạn như: Bộ Công an, Bộ Y tế chưa ban hành quy định về cơ sở vật chất (kinh phí, danh mục trang thiết bị, phương tiện tối thiểu...) của các tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và một số lĩnh vực khác; Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn cách tính, thu, chi trả chi phí giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...; quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực chưa được ban hành; thực hiện dịch vụ giám định của các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự...; chi phí giám định ở từng lĩnh vực; cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là một bên trong hoạt động giám định tư pháp với các bộ, ngành chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định... trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp.
Giữa Luật Giám định tư pháp và các quy định của pháp luật tố tụng chưa có sự thống nhất, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện; cơ chế xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng với tư cách là một loại chứng cứ đặc biệt trong hoạt động tố tụng;
Pháp luật về tố tụng còn thiếu quy định cụ thể như về căn cứ, cách thức trưng cầu để bảo đảm sự độc lập, khách quan và hiệu quả của hoạt động tố tụng và hoạt động giám định; cơ chế xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng với tư cách là một loại chứng cứ đặc biệt trong hoạt động tố tụng; những trường hợp bắt buộc người giám định tư pháp phải tham dự phiên tòa để trình bày và bảo vệ kết quả giám định. Việc tiếp nhận trưng cầu giám định và cử người làm giám định, tổ chức thực hiện việc giám định của nhiều cơ quan tổ chức còn chậm, chưa kịp thời, được thực hiện qua nhiều cấp hành chính nên thường kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian, làm chậm việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng.
Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi một số nội dung sau:
+ Sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn về chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ người giám định;
+ Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 250 Trung ương có văn bản đề nghị các bộ, ngành chuyên môn hàng năm phải tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giám định trong lĩnh vực phụ trách, nhằm giúp giám định viên tư pháp tại các địa phương bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động giám định.
+ Các bộ, ngành chưa ban hành Thông tư quy định về quy trình giám định trong lĩnh vực chuyên môn cần sớm ban hành, hướng dẫn thực hiện tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện tốt giám định trong lĩnh vực chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giám định tại địa phương.
+ Sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới về chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp theo quy định tại Quyết định số 01//2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.
+ Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định tư pháp đối với đội ngũ người người giám định tư pháp và tổ chức người giám định tư pháp ở địa phương.
* Nội dung Bộ Tư pháp trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Bộ Tư pháp đang đề nghị các Bộ, ngành tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Trong thời gian tới, khi tiến hành sửa Luật Giám định tư pháp và Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ rà soát, nghiên cứu các kiến nghị của địa phương để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tế trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp tại địa phương, có chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích, thu hút đội ngũ người giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, thực nhiệm vụ quản lý nhà nước chung về giám định tư pháp và thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 250 ở cấp Trung ương, những năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức các Đoàn kiểm tra về giám định tư pháp, đặc biệt là các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp Trung ương. Qua đó, Bộ Tư pháp đã có các kiến nghị đến các Bộ, ngành quản lý chuyên môn về giám định tư pháp trong việc ban hành, hướng dẫn thực hiện tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện tốt giám định trong lĩnh vực chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giám định tại địa phương; cũng như kiến nghị đến Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định tư pháp đối với đội ngũ người giám định tư pháp và tổ chức người giám định tư pháp ở địa phương.
TTR
Ý kiến bạn đọc