* Nội dung câu hỏi: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện việc: “Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”.
Hiện nay, cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước như Trung Quốc (Đài Loan), Hàn quốc… vẫn thực hiện việc ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh, và cấp Hộ Chiếu cho các bé đã được khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho việc xác định quốc tịch cũng như giải quyết thường trú cho trẻ em khi về Việt Nam sinh sống.
Đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao có văn bản thống nhất để không bị chồng chéo trong việc áp dụng các văn bản về hộ tịch và quốc tịch.
* Nội dung Bộ Ngoại giao trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Hộ tịch và Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh của trẻ em đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nếu có đủ cơ sở khẳng định trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật về quốc tịch. Ngoài ra, về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam, Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Điều 5 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam).
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác hộ tịch, quốc tịch ở ngoài nước, bảo đảm các quyền và lợi ích của trẻ em là công dân Việt Nam khi về nước thường trú.
TTR
Ý kiến bạn đọc