Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cử tri liên quan đến việc phổ biến, công bố lộ trình, thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh vàng

Thứ tư - 28/08/2024 15:21 74 0

* Nội dung câu hỏi: Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật với các quy định rõ ràng và có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện. Do đó, cử tri kiến nghị các cơ quan quản lý liên quan:

+ Tổng hợp và phổ biến rộng rãi các quy định liên quan của nhà nước, đặc biệt là các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý.

+ Công bố lộ trình quản lý, siết chặt quản lý. Đề nghị có khoảng thời gian hợp lý, khả thi, để doanh nghiệp thực hiện, giảm bớt vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

+ Thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trường hợp kiểm tra đột xuất cần bảo đảm minh bạch; đúng quy định; nhất là người kiểm tra phải được xác định là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp; thâm chí có thể có đối tượng thực hiện hành vi giả danh, lừa đảo.

* Nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời:

1. Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến các quy định về quản lý thị trường vàng

Trong thời gian qua, NHNN thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, phổ biến thông qua công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của NHNN, Trang thông tin điện tử NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh vàng;...

Đặc biệt từ cuối năm 2023 đến nay, NHNN đã tăng cường công tác truyền thông, thông tin đến tổ chức, cá nhân trên thị trường về các quy định của pháp luật và các biện pháp điều hành của NHNN nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định thị trường vàng và tâm lý thị trường. Cụ thể, NHNN đã:

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông; kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường; làm tốt công tác truyền thông về các giải pháp, định hướng của NHNN;

Tổ chức họp, làm việc với các chuyên gia về thị trường vàng để nắm bắt, tiếp thu các ý kiến đóng góp; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng để phổ biến, quán triệt chủ trương của Chính phủ, NHNN trong quản lý thị trường vàng;

Ban hành các văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn.

2. Công bố lộ trình quản lý thị trường vàng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, NHNN đã và đang tổng kết việc thi hành Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn được triển khai theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn. Trong quá trình xây dựng quy phạm pháp luật về quản lý thị trường vàng, NHNN sẽ thực hiện lấy ý kiến rộng rãi từ các Bộ, ngành chức năng, các đối tượng chịu tác động của chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu,...; công bố thông tin và đề xuất hiệu lực thi hành để việc đưa quy phạm pháp luật vào thực tiễn được triển khai có hiệu quả, thuận tiện, tạo được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

3. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vàng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng; rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của NHNN trong thời gian qua đều tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, đảm bảo minh bạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

NHNN đã công bố Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với 6 TCTD và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng (chiếm hơn 92% thị phần kinh doanh vàng miếng). Đoàn thanh tra có đại diện của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương (Tổng cục Quản lý thị trường) và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế). Nội dung thanh tra bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, việc chấp hành quy định về phòng, chống rửa tiền, về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường. NHNN tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, khẩn trương việc thanh tra chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và doanh nghiệp kinh doanh vàng theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024.

Ngoài ra, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó:

Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và việc doanh nghiệp kinh doanh vàng chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương theo quy định của Nghị định 24 và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trên cơ sở các quy định nêu trên, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Sau khi có kết quả thanh tra, NHNN sẽ phối hợp công bố các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về thanh tra.

TTR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách truy cập79
  • Hôm nay1,235
  • Tháng hiện tại43,941
  • Tổng lượt truy cập1,991,552
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây