Bộ Tài chính trả lời liên quan đến thủ tục xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thứ tư - 24/04/2024 10:47 1.362 0

* Nội dung câu hỏi: Sau thời gian thực hiện Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau thời gian thực hiện, cử tri phản ánh thủ tục xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn một số bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho công tác xử lý nên tình trạng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tồn đọng nhiều gây quá tải ở các kho tạm giữ, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, một số vụ việc có tang vật vi phạm hành chính là những tài sản nhỏ, giá trị thấp, không còn giá trị sử dụng trong thực tế (tang vật của những vụ đánh bạc, đá gà như: bộ bài, tấm chiếu, cựa sắt, con gà, cái bao...) nhưng vẫn phải định giá, đề xuất cơ quan quản lý tài sản công ở trung ương cho ý kiến trước khi cơ quan ngành dọc tại địa phương xử lý.

- Thứ hai, việc xác định cơ quan chủ trì quản lý tài sản trong trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu do Công an cấp huyện lập biên bản vi phạm hành chính, thông qua UBND cấp huyện để trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định tịch thu còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác xử lý tài sản, cụ thể: tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định: “a) Cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý tài sản trong trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là câp tỉnh) hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện) ra quyết định tịch thu”. Như vậy, đơn vị chủ trì quản lý tài sản trong trường hợp trên xác định là Công an cấp huyện hay UBND cấp huyện.

- Thứ ba, trình tự thủ tục xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính rất phức tạp, qua nhiều bước được quy định trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Thông tư số 57/2018/TT-BTC, Thông tư số 173/2013/TT-BTC và trình tự thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện Luật Đấu giá tài sản dẫn đến lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tồn rất lớn (Công an tỉnh Tây Ninh tồn hơn 10.000 đơn vị tài sản) thời gian lưu trữ lâu làm mất, giảm giá trị tài sản gây lãng phí lớn cho Ngân sách nhà nước.

Để khắc phục tình trạng trên, cử tri có một số kiến nghị như sau: 

- Kiến nghị Chính phủ đánh giá lại đối tượng tác động của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vì không thể đánh đồng các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (tài sản có giá trị tương đối nhỏ) với các loại nguồn lực tài sản công khác của Nhà nước để có cơ chế xử lý phù hợp khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định sổ 29/2018/NĐ-CP.

- Kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong xử lý tài sản theo hướng giao quyền cho người có thẩm quyền tịch thu thực hiện xử lý tài sản.

* Nội dung trả lời của Bộ Tài chính:

1. Theo quy định của pháp luật (pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự, pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan), tài sản là tang vật vi phạm hành chính kể từ khi bị tạm giữ đến khi có quyết định phê duyệt phương án xử lý gồm 02 giai đoạn: (i) giai đoạn tạm giữ; (ii) giai đoạn có Quyết định tịch thu của cấp có thẩm quyền; theo đó:

(i) Trong thời gian tạm giữ phương tiện, việc quản lý, xử lý thuộc trách nhiệm của cơ quan ra quyết định tạm giữ; không thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

(ii) Trường hợp phương tiện có Quyết định tịch thu (theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự) thì việc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi có Quyết định tịch thu đã được quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Thông tư số 57/2018/TT-BTC và thuộc trách nhiệm của cơ quan ra quyết định tịch thu.

2. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 282/TTr-BTC ngày 22/12/2023 về dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP). Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định này, Bộ Tài chính sẽ rà soát các Thông tư số 57/2018/TT-BTC và Thông tư số 173/2013/TT-BTC theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

TTR (tổng hợp)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,452
  • Tháng hiện tại69,992
  • Tổng lượt truy cập1,848,279
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây