* Nội dung câu hỏi: Quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 bất cập với quy định tại điểm b khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 39 Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Cụ thể, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 chỉ đưa ra duy nhất một trường hợp là “không trung thực”, trong khi Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương lại đưa ra hai trường hợp là “thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập” và “không trung thực” với hai mức độ xử lý khác nhau. Mặt khác, khái niệm “không trung thực” trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 không được quy định cụ thể và qua kiến nghị vẫn chưa được xem xét, hướng dẫn cụ thể.
Kiến nghị Chính phủ bổ sung giải thích “không trung thực” tại khoản 3 Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng; đồng thời đồng bộ với chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định trong kê khai, giải trình tài sản thu nhập giữa Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
* Nội dung Thanh tra Chính phủ trả lời:
Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những thành phần quan trọng trong xây dựng các giải pháp tổng thể phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn là một trong những công cụ quan trọng góp phần tăng cường tính minh bạch của bộ máy nhà nước, sự liêm chính của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời, qua đó cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát, phòng ngừa các hành vi sai trái của cán bộ, công chức, ngăn chặn, làm giảm thiểu nguy cơ làm giàu bất chính... Dựa trên những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020, các địa phương trên cả nước đã triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.
Nhằm xử lý các hành vi vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều quy định, cụ thể như Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; các quy định tại Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong đó, Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Quy định 69) đã quy định rõ, cụ thể từng mức độ sai phạm của Đảng viên trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập:
- Tại Khoản 1, Điều 39 quy định rõ đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cụ thể là: Không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập... hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định… Quy định này có nội hàm mở rộng, rõ nghĩa đối với trường hợp có vi phạm trong chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có thực hiện nhưng chưa đúng, chưa đầy đủ, nhằm thắt chặt hơn trách nhiệm của đảng viên trong công tác kiểm soát TSTN.
- Tại Khoản 2, Điều 39 Quy định số 69 quy định rõ đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu “Kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật PCTN năm 2018.
Do đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng thời Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Luật PCTN năm 2018.
TTR
Ý kiến bạn đọc