Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 27/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương và 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật đã làm rõ, cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo Luật trình, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội nghị
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đóng góp 06 vấn đề, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Di sản văn hóa là tên gọi rất quen thuộc và đã tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta 23 năm. Như được phản ánh trong tên gọi, phạm vi điều chỉnh của đạo luật này hướng đến các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tức là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Thúy đề nghị cân nhắc việc giữ tên gọi hiện tại là Luật Di sản văn hóa hay tên luật sửa thành Luật Di sản; đại biểu Thúy đề nghị phương án sửa tên là Luật Di sản, ngày nay, để tiếp cận khái niệm di sản một cách rộng mở hơn, trong đó có cả di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp. Trong Luật Di sản văn hóa hiện hành dùng thuật ngữ "danh lam, thắng cảnh" để diễn tả cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại tồn tại khái niệm là "di sản thiên nhiên", mà ở đó danh lam, thắng cảnh được xem là một bộ phận của di sản thiên nhiên. Theo đại biểu Thúy, nhóm từ "danh lam, thắng cảnh" đang được sử dụng chủ yếu trong tập quán, còn quan niệm mới về di sản thực ra được mở rộng, phù hợp với nhận thức chung của nhân loại. Di sản thiên nhiên là một bộ phận hữu cơ của kho tàng di sản gắn liền với sự sáng tạo văn hóa của con người, hơn nữa được con người phát hiện và tiếp nhận thông qua lăng kính của văn hóa, được văn hóa hóa. Chính vì vậy, đại biểu Thúy đề nghị sửa đổi tên gọi dự thảo Luật Di sản văn hóa thành Luật Di sản và điều này phù hợp với quan điểm của UNESCO ngày nay khi di sản phải được hiểu bao gồm tất cả các thành phần tự nhiên và văn hóa, phù hợp với tên gọi của Công ước di sản thế giới năm 1972, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có phạm vi điều chỉnh bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.
Thứ hai, đại biểu Thúy đồng tình với ý kiến khi cho rằng nên xem xét bổ sung di sản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Vì hiện nay di sản địa chất đang được đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và được giải thích là tập hợp một hoặc nhiều di sản địa chất được công nhận xếp hạng và di sản địa chất được hiểu là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của các hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt hoặc trong lòng đất, được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất. Điều này có nghĩa di sản địa chất chính là một dạng của di sản thiên nhiên, chứa đựng trong đó các giá trị về văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ. Đưa di sản địa chất vào trong phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp với bản chất đặc trưng của nó, đồng thời để có cách ứng xử và chính sách, phương pháp quản lý, khai thác, phát huy giá trị của di sản này một cách hợp lý, hiệu quả và đồng bộ.
Thứ ba, về các loại hình di sản văn hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Dự thảo luật xác định di sản văn hóa bao gồm 3 loại, di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu là chưa phù hợp và có sự trùng lặp. Đại biểu Thúy cho rằng việc giải thích từ ngữ tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo luật về di sản tư liệu như sau: Di sản chứa đựng nội dung thông tin được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân thể hiện trực tiếp bằng các ký hiệu mật mã, chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và các dạng thức khác trên vật mang tin có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng có thể tiếp cận và được kế thừa, trao truyền. Thực chất di sản tư liệu thường là một dạng của di sản văn hóa vật thể và trong nhiều trường hợp cũng có thể tồn tại dưới dạng di sản văn hóa phi vật thể, do đó không nên tách ra thành một khái niệm độc lập như một khái niệm thứ ba bên cạnh khái niệm di sản văn hóa vật thể và khái niệm di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ tư, dự thảo luật có nhắc đến khái niệm là di tích hỗn hợp tại khoản 3 Điều 21 của luật và giải thích đây là loại hình di tích kết hợp giữa loại hình di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, khi quy định về xếp hạng di tích, dự thảo luật cũng đề cập đến thuật ngữ "di sản thế giới hỗn hợp", một trong các loại di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới ở điểm c khoản 2 Điều 24 của dự thảo luật. Theo đó, xác định di sản thế giới hỗn hợp là di tích tiêu biểu của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của cả di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng, trong phạm vi điều chỉnh và điều luật giải thích từ ngữ dự thảo luật không hề nhắc đến khái niệm "di sản hỗn hợp", trong khi di sản hỗn hợp là khái niệm có tính bao quát hơn so với khái niệm di tích hỗn hợp. Đại biểu Thúy cho biết, ở nước ta quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình là trường hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa hỗn hợp thế giới. Chúng ta còn nhiều di tích, danh thắng có thể phát triển thành mô hình di sản hỗn hợp như vậy, do đó đại biểu Thúy đề nghị cân nhắc để bổ sung và làm rõ khái niệm "di sản hỗn hợp" trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Thứ năm, về di sản văn hóa dưới nước. Trước đây, Chính phủ từng ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản dưới nước nhưng trong dự thảo Luật Di sản văn hóa lần này không thấy đề cập đến di sản văn hóa dưới nước. Trong khi đó, di sản văn hóa dưới nước là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa vật thể nói riêng và di sản văn hóa nói chung, bao gồm các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các di tích, công trình xây dựng, địa điểm di tích, cổ vật ở dưới nước có liên quan đến nguồn gốc của loài người đã được con người sử dụng cùng với các hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng ta nằm trong các vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định về di sản văn hóa dưới nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để có cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Thứ sáu, về kỹ thuật trình bày văn bản. Tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật Di sản văn hóa xác định: “Di sản văn hóa quy định tại luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là quy định nhằm giải thích khái niệm di sản văn hóa mà không phải là sự khoanh vùng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu Thúy đề nghị đưa từ nội dung tại Điều 1 này sang nội dung Điều 3 giải thích từ ngữ sẽ logic và phù hợp hơn.
Thanh Trung (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc