Trong phiên thảo luận tại Tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại Tổ thảo luận chiều ngày 26/10/2024
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý liên quan đến báo cáo của Chính phủ. Đại biểu Phương cho biết bội chi và nợ công vẫn nằm trong hạn mức giới hạn cho phép của Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc thêm để mở rộng dư địa để có đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho phát triển; chi đầu tư chiếm cao hơn mức chi giai đoạn 2022-2024 Chính phủ đã tổng kết. Tuy nhiên, về tổng thể không đảm bảo mức chi theo Nghị quyết của Quốc hội. Hiện nay khó khăn nhất trong chi ngân sách chưa khắc phục được đó là chi cho đầu tư công, mặc dù năm 2024 Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, tuy nhiên đầu tư công đạt thấp hơn so với cùng kỳ (47,3%) thấp hơn cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ. Đặc biệt nhất là chi vốn đầu tư nước ngoài hiện nay mới đạt được 24,33 % theo kế hoạch, theo thống kê hàng năm thì chi vốn đầu tư nước ngoài đều đạt thấp; đại biểu Phương đề nghị Chính phủ cần rà soát, tháo gỡ khắc phục những khó khăn, vướng mắc…
Đại biểu Phương đề xuất giải pháp trong thời gian tới, các chỉ tiêu, kế hoạch tài chính 3 năm không có tính chất pháp định, chỉ mang tính chất tham khảo, để lập dự toán hàng năm của giai đoạn này, đến năm 2026-2030, đề nghị Chính phủ chi ngân sách trong thời gian tới cần quân tâm đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, khi gặp khó khăn thì nông nghiệp là bệ đỡ, đóng góp GDP ngày càng tăng; tuy nhiên thời gian qua Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp chưa được tốt nhất, làm sao ngành nông nghiệp đủ sức chống chịu trước các tác động của xã hội.
Hệ thống điều tiết thủy lợi phục vụ tưới tiêu, an toàn hồ, đập còn gặp nhiều khó khăn (mùa mưa thì lũ lụt, mùa nắng thì thiếu nước); việc bảo tồn nhân rộng nguồn gen; giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, truyền thống không còn, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng, vừa nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh ngành nông nghiệp. Cần chú ý đến việc đảm bảo sức khỏe người dân, chi cho an sinh xã hội và chi cho y tế; qua đại dịch Covid-19 cho thấy y tế dự phòng, y tế cơ sở còn rất hạn chế chưa được xem trọng, cả nước chỉ tập trung vào y tế điều trị, điều trị chuyên sâu; việc đầu tư cơ sở vật chất y tế dự phòng hiện nay chưa thỏa đáng, Chính phủ cần có đánh giá, rà soát để có đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu cho Nhân dân.
Trong chi ngân sách, cần đặc biệt chú ý sắp xếp lại các đơn vị hành chính, các đơn vị có trùng lắp về nhiệm vụ, cần tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế…để giảm chi.
Thanh Trung (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc