Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy góp ý Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi

Thứ ba - 25/06/2024 08:24 78 0

Chiều ngày 24/6/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý một số nội dung trọng tâm của Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại Khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi quy định hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”. Đại biểu Thúy cho rằng việc dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định mức doanh thu để thu thuế là không phù hợp, vì khoản 2 Điều 55 Hiến pháp quy định: Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”. Việc xác định doanh thu để thu thuế GTGT sẽ có sự tác động đến hoạt động thu ngân sách nhà nước trung ương và cả ngân sách địa phương. Do đó, nội dung này phải được Luật quy định, đại biểu cũng thống nhất với ý kiến của Ban thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành (như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng, …) để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật. Nếu có sự thay đổi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để điều chỉnh.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại Hội trường chiều ngày 24/6

Về quy định về thuế suất thuế GTGT, cơ bản, dự thảo Luật vẫn giữ 03 mức thuế suất thuế GTGT như hiện nay, gồm: 0%, 5% và 10%. Tuy nhiên, tại Điểm b, g khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật bổ sung quy định áp dụng thuế suất 5% đối với nhóm hàng hóa là phân bón, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong khi Luật hiện hành quy định đối tượng này thuộc diện không chịu thuế. Đại biểu Thúy đề nghị xem xét chuyển phân bón, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ thuộc đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành và theo đề nghị của một số đại biểu mà chuyển hẳn sang chịu thuế suất 0%, như vậy càng giảm giá thành sản phẩm hơn nữa, do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, càng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Tương tự như vậy đối với “1. Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu (tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật) là đối tượng không chịu thuế. Đại biểu Thúy đề nghị nhóm này chuyển sang nhóm thuế suất 0%, để có lợi cho sản xuất nông nghiệp do tiếp tục được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Đối với quy định về phương pháp tính thuế, tại điểm a khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng phương pháp này bao gồm “tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ”. Đại biểu cho rằng các đối tượng này sẽ được áp dụng tỷ lệ tính thuế là 1% đối với việc phân phối, cung cấp hàng hoá và 5% đối với dịch vụ. Về bản chất, đây không phải là quy định mới, nhưng cần xem xét, cân nhắc lại. Bởi vì, quy định này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước trong điều kiện thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhiều và nhanh như hiện nay. Chính sách quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài như nội dung dự thảo Luật là không phù hợp nếu được áp dụng cho các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số. Ví dụ như dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix (nước ngoài) chịu mức thuế 5% nhưng cũng dịch vụ này do FPT (trong nước) cung cấp thì chịu mức thuế 10%. Đây là sự bất hợp lý cho các nhà cung cấp trong nước và làm mất nguồn thu ngân sách. Đồng thời, phương pháp tính thuế trực tiếp đối với nhóm đối tượng trên cũng không thích hợp: các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nước ngoài trên các sàn nền tảng số hoàn toàn không phát sinh thuế GTGT đầu vào tại Việt Nam vì hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam được coi là hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nên đã được áp dụng mức thuế 0% và hoàn thuế với đầu vào tại nước xuất khẩu. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều áp dụng bình đẳng một mức thuế suất GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú.

Với phân tích trên, đại biểu Thúy đề nghị cần quy định rõ tại điểm a khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật là không bao gồm các nhà cung cấp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử và nền tảng số, đồng thời, bổ sung vào khoản 3 Điều 9 để thể hiện các đối tượng áp dụng thuế suất 10% bao gồm cả “hàng hoá, dịch vụ được cung cấp thông qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, chợ thương mại điện tử được thực hiện bởi các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”. 

  Liên quan đến việc miễn thuế GTGT đối với Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Đại biểu Thúy đề nghị nghiên cứu để bỏ nội dung này trong quy định hiện hành vì những lý do sau:

Thứ nhất, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 03/2023, có trung bình khoảng 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100-300 ngàn đồng; hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,… Do đó, với quy định như Dự thảo thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản thu khá lớn, hơn nữa, tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.

Thứ hai, quy định này sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa hàng hoá trong nước với hàng hoá nhập khẩu. Bởi lẽ, hàng hoá trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn sẽ bị điều tiết thuế GTGT, trong khi hàng hoá nhập khẩu lại không có loại thuế này trong giá bán

Thứ ba, quy định mới này trong dự thảo chưa phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Thanh Trung (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay1,166
  • Tháng hiện tại43,872
  • Tổng lượt truy cập1,991,483
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây