Ngày 23/10/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
* Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ 8 và bám sát tư tưởng, chính sách đã được Quốc hội thông qua ngay từ đầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, làm rõ một số vấn đề
Tại phiên thảo luận các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào một số vấn đề lớn như: các biện pháp xử lý chuyển hướng và thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; về các thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên; về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam và chế độ đối với phạm nhân là người chưa thành niên; các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể trong dự thảo luật nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật phù hợp, khoa học và khả thi hơn. Bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
* Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan; Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận liên quan đến chính sách nhà nước về di sản văn hóa; chính sách quan trọng tác động ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số điều như Điều 19, Điều 82, Điều 84, Điều 85 và Điều 90; về khu vực bảo vệ của di tích ở Điều 28; quy định cho phép đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có tại di tích; về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Điều 92 vì mục tiêu hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính chất đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa ở Điều 97, quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều, khoản, điểm và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả khi luật được thông qua nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc