Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: góp ý Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thứ tư - 23/10/2024 12:03 27 0

Sáng ngày 23/10/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu một số nội dung sau:

Về bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến tại khoản 1 Điều 18 quy định “ Việc người chưa thành niên không nhận tội không bị coi là không thành khẩn khai báo”. Đại biểu Phương đề nghị xem lại quy định này, vì việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người thành khẩn hay không thành khẩn; dự thảo Luật quy định ý kiến trình bày của người chưa thành niên phải được tôn trọng, không bị coi là không đáng tin cậy chỉ vì lý do tuổi của họ, tuy nhiên lại quy định việc người chưa thành niên không nhận tội lại không bị coi là không thành khẩn khai báo thì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật (để được tôn trọng, đáng tin cậy) mà còn có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc, xác minh làm rõ sự thật khách quan; tuy trách nhiệm chứng minh là của các cơ quan tố tụng, nhưng luật luôn khuyến khích để đối tượng thành khẩn khai báo và có chính sách xem xét đối với người thành khẩn. Việc người chưa thành niên không nhận tội trong khi thực tế mình có tội thì không thành khẩn khai báo; nếu cào bằng giữa người chưa thành niên thành khẩn nhận tội và người chưa thành niên không nhận tội thì không phù hợp.

Về Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên tại Điều 28, đại biểu Phương thống nhất việc quy định cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là Bộ Công an tại khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật. Việc giao cho Bộ Công an làm cơ quan thường trực, là đầu mối trong công tác quản lý về tư pháp người chưa thành niên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; mặt khác việc tiếp nhận, thụ lý nguồn tin ban đầu có liên quan đến người chưa thành niên, việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngay giai đoạn đầu của quá trình thụ lý cũng do cơ quan Công an thực hiện; và những lý do khác được nêu tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại hội trường sáng ngày 23/10/2024

Về giải quyết khiếu nại, kiến nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (từ Điều 69 đến Điều 72), theo quy định của dự thảo Luật, thì quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể bị khiếu nại, kiến nghị; Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này có hiệu lực pháp luật và là quyết định cuối cùng.

Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp. Như vậy, việc giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cũng được hiểu là giải quyết đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp, nhưng Điều 72 Dự thảo Luật chưa có quy định người có thẩm quyền giải quyết đơn (Cơ quan điều tra, Tòa án) phải gửi quyết định giải quyết đến Viện kiểm sát để kiểm sát việc giải quyết. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định này vào khoản 3 Điều 72 Dự thảo Luật.

Về Trách nhiệm và quyền của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại khoản 1 Điều 79 quy định 12 nội dung về trách nhiệm mà người trực tiếp giám sát phải thực hiện; trong khi đó tại khoản 2 chỉ quy định 1 nội dung về quyền của người trực tiếp giám sát, đó là có quyền tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên. Khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành, thì dự báo số người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ tăng lên và đưa về cơ sở (là cấp xã) giám sát, giáo dục. Người được giao trực tiếp giám sát là: Người làm công tác xã hội; Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên (theo quy định tại khoản 2 Điều 75). Như vậy, khối lượng công việc của những người này sẽ tăng thêm; trách nhiệm nhiều hơn nhưng quy định về quyền thì quá ít, nhất là chế độ chính sách hỗ trợ gì khi họ thực hiện nhiệm vụ tăng thêm này. Do vậy, đại biểu Phương đề nghị khi hướng dẫn các điều luật này cần quan tâm đến chế độ chính sách của những người được giao thực hiện trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Về Bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại tại khoản 3 Điều 156 quy định: “Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện hoàn trả Quỹ theo quy định”. Trong quy định này, chủ thể hướng tới được bảo vệ là người chưa thành niên là bị hại bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, không phải là người phạm tội. Vì vậy, trong trường hợp phải tạm ứng kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, đại biểu Phương đề nghị cần có hướng dẫn quy định cụ thể việc hoàn trả trong bao lâu, lấy từ Quỹ toàn bộ số tiền bồi thường hay một phần, cần có tài liệu gì để chứng minh là không thể bồi thường được ngay, phải quy định nếu chưa hoàn trả lại khoản tiền đã ứng thì coi như chưa chấp hành xong bản án về trách nhiệm dân sự vì việc này có liên quan đến tính xóa án tích của người phạm tội.

Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam tại Điều 158, đại biểu Phương thống nhất theo quy định của Điều 158 là bố trí theo 3 mô hình: Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực hiện có. Hiện nay, số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thì số người chưa thành niên bị xử phạt tù phải chấp hành án sẽ càng thu hẹp lại do được xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy, việc có thể lựa chọn 1 trong 3 mô hình như trên là phù hợp.

Thanh Trung (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay1,322
  • Tháng hiện tại44,028
  • Tổng lượt truy cập1,991,639
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây