Ngày 25/10/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng (sửa đổi).
* Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tại kỳ họp thứ 7, có 62 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và 14 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 2 ý kiến gửi bằng văn bản. Dự thảo luật đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện.
Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung như mối quan hệ giữa các quy hoạch, nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung, xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xã, thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn quy định các trường hợp chuyển tiếp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật. Các đại biểu Quốc hội tham gia nhiều ý kiến hết sức cụ thể và xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật, như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; giải thích từ ngữ quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch không gian ngầm; thời hạn và các thời kỳ quy hoạch; tính thống nhất, đồng bộ với các luật, trong đó có luật về tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý các trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định các trường hợp chuyển tiếp và nhiều ý kiến quan trọng khác vào các điều khoản cụ thể trong luật, như tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, sử dụng các nguồn lực cho công tác quy hoạch.
* Đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường và thảo luận tại tổ; có 106 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 29 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 1 ý kiến tham gia bằng văn bản. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 và tiếp tục thảo luận tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách. Sau đó, dự thảo luật đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội lần này.
Các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến vào 5 nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, gồm: về quy định các loại giao dịch phải công chứng; về bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng; về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng; về vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên …
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình làm rõ một số nội dung
Qua thảo luận cho thấy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo, hồ sơ trình, tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật, cơ bản thống nhất với nhiều nội dung. Các vị đại biểu đã góp ý và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều điều khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, khoa học, khả thi của dự thảo luật, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước để vừa quản lý có hiệu quả, vừa đáp ứng tốt nhất trách nhiệm của Nhà nước cũng như trách nhiệm của văn phòng công chứng trong việc cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện nhất, bảo đảm an toàn trong các giao dịch pháp lý.
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc