Ngày làm việc thứ 7: Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thứ hai - 27/05/2024 21:04 24 0

Ngày 27/5/2024, ngày làm việc thứ 7, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); sau đó, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Tại phiên thảo luận đã có 55 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 02 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần; mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc quy định về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội; tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; tác động của cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội; thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại phiên họp

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định, Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng khẳng định, chính sách bảo hiểm xã hội được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống bảo hiểm xã hội.

Về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 28 của trung ương với mục tiêu thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế. Cùng với đó cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế bây giờ của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội.

Do vậy, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị), đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo luật. 

Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong hai phương án Chính phủ trình. Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2. Bộ trưởng cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động.

Vấn đề thứ hai liên quan đến ý kiến đề xuất tăng các chính sách về thai sản, ốm đau... rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận. Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo luật, chúng ta đã đưa rất nhiều chính sách tân tiến hơn, nhiều chính sách tốt hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo, do vậy trong giai đoạn trước mắt cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu. 

Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 28 nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Nghị quyết 42 cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60% nên việc mở rộng bảo hiểm xã hội là tất yếu. Bộ trưởng nêu rõ, những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong luật này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp; hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau…

Thứ ba, ngày 28/5/2024, sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi); Chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

KC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay989
  • Tháng hiện tại140,763
  • Tổng lượt truy cập1,267,474
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây