Thứ Ba, ngày 04/6/2024, buổi sáng, Quốc hội thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội – Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành. Nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực này tập trung vào các nội dung về việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
ĐBQH Trần Hữu Hậu
Tham gia làm rõ nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu – Tây Ninh đã có ý kiến tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường – Đặng Quốc Khánh, đại biểu Trần Hữu Hậu tranh luận về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng đối với chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy – Tuyên Quang về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo đó, Bộ trưởng cho biết việc đấu giá còn phụ thuộc vào quy định về các khu vực cấp phép khai thác không thông qua đấu giá vì liên quan đến quốc phòng, an ninh và các quy định cụ thể khác. Đại biểu Hậu dẫn chứng theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 440 giấy giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá, mặc dù sau đấu giá giá tăng 20 đến 40% so với giá khởi điểm, như vậy tỷ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp dù hiệu quả cao hơn. Đại biểu Hậu đặt vấn đề: theo Bộ trưởng có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác không qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?
Đồng thời, trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Minh – Quảng Trị, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đại biểu Trần Hữu Hậu đặt vấn đề về một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Vậy chúng ta có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản trong phát triển đất nước không?
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời về việc đấu giá như đại biểu Hậu nêu; Về tỷ lệ, Bộ trưởng đã nêu ở Nghị định 158 có 07 nội dung là không qua đấu giá và Bộ trưởng nói ví dụ để đảm bảo an ninh về năng lượng thì chúng ta đang giao cho Tập đoàn Than - Khoáng sản để thực hiện về mỏ than, đấy là việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chúng ta cấp phép và thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường hầu như cấp phép trong 07 nội dung của Nghị định 158, tức là cấp phép không qua đấu giá theo nghị định đã quy định. Ví dụ các mỏ liên quan đến khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược an ninh quốc gia thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, cho nên thấy con số Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhưng không thông qua đấu giá là theo quy định của Nghị định 158. Chúng ta đã quy định các doanh nghiệp đã thăm dò thì chắc chắn là được ưu tiên thực hiện việc liên quan đến cấp phép để khai thác, tuy nhiên nếu doanh nghiệp thăm dò nhưng không làm nữa thì cũng phải báo cáo để Nhà nước thu hồi khu vực đó và Bộ trưởng cũng thấy rằng đấu giá là hợp lý.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất và chuyển sang nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.
KC (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc