Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trọng tâm là chính sách tài khóa, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế

Thứ tư - 29/05/2024 21:31 47 0

Ngày 29-5-2024, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 (Chương trình được Truyền hình, phát thanh trực tiếp). Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy huyện Gò Dầu đăng ký phát biểu, tuy nhiên do số thứ tự đăng ký sau nên đại biểu không thể phát biểu, đại biểu gửi bài phát biểu cho Đoàn Thư ký phiên họp tổng hợp. Nội dung phát biểu của đại biểu tập trung vào các nội dung sau:

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định rằng những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững; Thu ngân sách đạt kết quả khích lệ, các khoản chi ngân sách được bảo đảm; Chỉ số giá tiêu dùng ở mức an toàn; Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la tuy có tăng, song nhìn chung không quá căng thẳng, chưa tác động nhiều lên nền kinh tế… Đó là những tiền đề rất quan trọng cho kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển ổn định trong 04 tháng qua.

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò quan trọng; các động lực mới như: kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... được phát huy nhằm thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Ba khu vực kinh tế: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ đều có sự phục hồi gắn với chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều dự án đường bộ quan trọng được hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, sự kết nối, liên kết kinh tế vùng, miền và cả nước tốt hơn.

Chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, văn hóa xã hội và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện từng bước, thương hiệu quốc gia được khẳng định, niềm tin của Nhân dân cả nước cũng như tình cảm của bạn bè Quốc tế đối với Việt Nam ngày càng tăng.

Tuy nhiên, đại biểu Phương cũng cho rằng trước tác động mạnh mẽ từ nhiều chiều đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô nước ta từ nay đến cuối năm. Hiện tại đã xuất hiện những tiềm ẩn về sự gia tăng, biến động chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá do tác động từ giá cả nhập khẩu các yếu tố đầu vào của sản xuất; giá vận chuyển quốc tế, giá vàng, giá xăng dầu có xu hướng tăng, lãi suất đồng đô la chưa có dấu hiệu giảm. Cùng với đó là áp lực tăng giá nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ như: lương thực, thực phẩm, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước sạch, thủy lợi....

Xuất khẩu đứng trước những khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cạnh tranh quốc tế về giá rất quyết liệt trong khi hàng hóa của ta chưa được cải thiện nhiều, chi phí logistic còn cao, rào cản kỹ thuật gắn với phát triển kinh tế xanh của nhiều nước vốn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ngày càng ngặt nghèo hơn.

Tác động của biến đổi khí hậu có phần trầm trọng hơn so với trước đây, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, mưa đá, sạt lở... trở nên khắc nghiệt và thường xuyên trên diện rộng, đe dọa rất lớn đối với kinh tế, đời sống, trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - là bệ đỡ và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tuy đã có sự phục hồi, song nhìn chung chưa đồng đều. Số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả chưa như mong đợi, số gặp khó khăn, khó đứng vững còn nhiều. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay lại thị trường chưa đáp ứng kỳ vọng. Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn khá cao. Hấp thụ vốn của hệ thống doanh nghiệp rất hạn chế, thể hiện ở mức tăng trưởng tín dụng thấp.

Từ những tác động như trên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng những tháng còn lại trong năm 2024 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng Doanh nghiệp mới có thể hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra trong năm 2024. Đại biểu cơ bản tán thành 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất: Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trọng tâm là chính sách tài khóa, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các quý tiếp theo. Bảo đảm hợp lý nguồn cung tiền cho nền kinh tế. Có lộ trình tăng giá các lĩnh vực một cách phù hợp, quản lý tốt giá cả thị trường, thực hiện tốt bình ổn giá với những mặt hàng lĩnh vực cần thiết, kiểm soát tốt nợ xấu, bội chi ngân sách... nhằm giữ mức lạm phát và tỷ giá tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai: Đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Bám sát tình hình thế giới để điều chỉnh chủ trương, biện pháp kịp thời, linh hoạt nhằm giữ vững, mở rộng thị trường xuất khẩu. Coi trọng cả thị trường, đối tác, mặt hàng xuất khẩu truyền thống; mở rộng thị trường mới, thị trường ngách; coi trọng cả đơn hàng có giá trị lớn và đơn hàng nhỏ, lẻ nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt quan tâm khai thác tốt hơn thị trường trong nước, gồm cả thành phố, đô thị, nông thôn, miền núi. Vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa tổ chức tốt các kênh lưu thông phân phối, nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá bán, để đưa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Thứ ba: Tiếp tục xác định mục tiêu, lộ trình, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ hoàn thành dự án. Cải thiện môi trường đầu tư nhằm huy động đầu tư tư, kết hợp công - tư, đầu tư công định hướng, dẫn dắt đầu tư tư một cách hiệu quả trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Chú trọng các biện pháp nhằm làm tăng niềm tin, tình cảm của đối tác nước ngoài, hướng dòng FDI vào các dự án, lĩnh vực quan trọng với công nghệ hiện đại, công nghệ xanh.

Thứ tư: Nắm nhu cầu về thị trường, vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực, cùng các điều kiện hạ tầng khác của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để hỗ trợ đúng, trúng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Trước mắt cần chú ý giảm hợp lý về thuế, phí, giá các dịch vụ đảm bảo; kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ lãi suất; khuyến khích đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, bồi dưỡng người lao động cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, và hợp tác xã.

Thứ năm: Tăng cường công tác quản lý rủi ro về trật tự an toàn xã hội, cháy nổ, hạn hán, bão lũ, sạt lở; phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn do thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống, đẩy lùi nạn buôn bán hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế. Tăng cường công tác phòng vệ thương mại, kiểm soát thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và gia tăng nợ xấu gây mất an toàn đối với hệ thống ngân hàng thương mại.

KC (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay925
  • Tháng hiện tại12,653
  • Tổng lượt truy cập1,960,264
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây