Ngày 03/6/2024, tiếp tục ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ 7, buổi sáng Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng đọc Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội -Trần Quang Phương điều hành nội dung, Thứ trưởng Bộ Công an - Trần Quốc Tỏ thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phát biểu tiếp thu.
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến thảo luận tại tổ. Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí về bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo tiếp thu của Bộ Công an và cơ bản nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục làm rõ cả về bố cục của dự thảo luật, phạm vi điều chỉnh, rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nghiên cứu, bổ sung từ "hung khí" và từ "tiền chất nổ" trong tên luật.
Về giải thích từ ngữ, cần bổ sung một số khái niệm cho rõ như "phòng vệ chính đáng", "hoạt động cao hơn phòng vệ chính đáng trong quá trình làm nhiệm vụ" và khái niệm về "dao có tính sát thương cao", "các loại công cụ khác có tính sát thương cao" trên cơ sở khái niệm gốc từ Từ điển về vũ khí cũng như kế thừa các khái niệm của Luật 2017, phân định rõ theo tinh thần trang bị cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ gọi là "vũ khí quân dụng", nghiên cứu một số loại công cụ khác có tính sát thương cao và quá trình giải trình cần lập luận rõ ràng hơn, phù hợp với các luật hiện hành.
Về khai báo vũ khí thô sơ cần quy định rõ ràng hơn để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng vừa không gây khó khăn cho người dân trong sản xuất và đời sống; quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất về thuốc nổ và công cụ hỗ trợ, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về hành vi cấm và một số những trình tự, thủ tục; về quy định khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về quy định đối với việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Về thời điểm trình Quốc hội thông qua, nhất trí thông qua tại kỳ họp thứ 7 với 2 yêu cầu. Yêu cầu thứ nhất, đại biểu Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện 9 nghị định của Chính phủ, 25 thông tư quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Yêu cầu thứ hai là đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp để tiếp thu, giải trình rõ hơn, có tính thuyết phục cao hơn trong các quy định để thông qua đúng kế hoạch.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; tại phiên thảo luận đã có 11 lượt đại biểu đăng ký và phát biểu. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí về bố cục nhiều nội dung dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu để làm rõ các nội dung về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật, cần bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ của lực lượng cảnh vệ ngoài lãnh thổ Việt Nam; Về đối tượng cảnh vệ, cần rà soát kỹ đối tượng là khách quốc tế thăm, làm việc tại Việt Nam để thể hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội theo hướng thu hẹp như dự thảo luật cần rà soát để bổ sung cho đầy đủ; Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ, đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ thì cần quy định rõ việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ một cách chặt chẽ, không để bị lạm dụng; Về một số nội dung khác, có đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo nghị định của Chính phủ để thống nhất với các quy định của luật này, Luật Ngân sách nhà nước và các luật liên quan.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giao cho Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như hoàn thiện, chỉnh lý luật để thông qua đúng kế hoạch của chương trình tại kỳ họp thứ 7.
Ngày 04/6/2024, Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.
KC
Ý kiến bạn đọc