Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Chủ nhật - 03/11/2024 12:49 33 0

Sáng ngày 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Tại kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường với 124 lượt ý kiến. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý. Tổ chức nhiều đoàn khảo sát và các cuộc tọa đàm với chuyên gia, các nhà khoa học, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật, Hội nghị đại biểu chuyên trách để cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

So với dự thảo luật Chính phủ trình lần này chỉnh lý đã có 59 điều, giảm 6 điều do chỉnh lý ghép các nội dung, bỏ 1 điều về xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy. Chính phủ có văn bản cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên thảo luận, các vị đại biểu tập trung cho ý kiến về yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, nhất là Chỉ thị 47 và Kết luận 02 của Ban Bí thư và các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy như các nghị quyết giám sát chuyên đề; Điều 3 về áp dụng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở tại Điều 19, đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại Điều 20; về phòng cháy, chữa cháy, trong lắp đặt, sử dụng điện Điều 23 kể cả quy định về lắp đặt, sử dụng điện, phương tiện và sản phẩm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; về xây dựng bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; về điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; góp ý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy ở Điều 56 và Điều 59 ...

Phát biểu giải trình, tiếp thu tại buổi thảo luận, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, các ý kiến của đại biểu tập trung vào các nội dung về bổ sung từ hoặc cụm từ về giải thích từ ngữ về phòng cháy, chữa cháy, đối với cơ sở, phòng cháy, chữa cháy, đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ liên quan đến công trình do Bộ Quốc phòng quản lý; bổ sung phòng cháy, chữa cháy đối với lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở; về tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy; về giải quyết các hậu quả sau khi cháy; về huấn luyện kỹ năng thoát nạn cho người dân, về nguồn nước chữa cháy; về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là có đại biểu phát biểu về phần kinh phí cho phòng cháy, chữa cháy, về hiệu lực thi hành của luật này, v.v.. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, toàn diện và rất trách nhiệm, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu thấu đáo, giải trình cụ thể để hoàn chỉnh dự án luật và sẽ thông qua Quốc hội trong kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu

Trên tinh thần đổi mới theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các chính sách trên, trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và trên tinh thần an toàn cho người dân là trên hết. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, cụ thể là đã chỉnh lý các quy định về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng, bổ sung quy định về trang bị kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống nguồn tin báo cháy đối với cơ sở, nhà ở; bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện v.v...

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu đều có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng, sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bám sát kết luận, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức được nhiều cuộc tọa đàm, khảo sát để thu thập thông tin, phục vụ tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung của những đạo luật và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng tốt, quán triệt đầy đủ tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, bố cục và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật. Nhìn chung, các quy định của dự thảo luật đã bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề cụ thể như sau:

Tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về giải thích từ ngữ, bổ sung giải thích từ ngữ hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; bổ sung, giải thích thêm cụm từ tai nạn, sự cố cho phù hợp; bổ sung thành tố kinh tế ở các điều, các khoản về phòng cháy, chữa cháy.

Quy định về thẩm định phòng cháy ở cả giai đoạn thiết kế cơ sở chuẩn bị cho đầu tư; về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy; bổ sung nguyên tắc ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong phòng cháy, chữa cháy; về báo cháy tình huống cứu hộ, cứu nạn, phương pháp xử lý báo cháy giả; về phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu việc quy định bố trí phòng ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh phải có lộ trình và để cho các cơ sở này có điều kiện thiết kế phù hợp theo đúng khả năng kinh tế - xã hội.

Quy định chế độ kiểm tra định kỳ công khai trên các nền tảng quản lý của nhà nước; về phòng cháy, chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện. Quy định rõ hơn với các công trình nhà cao tầng, chung cư, cơ sở sản xuất về lắp đặt, sử dụng điện; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị điện; về xây dựng, bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy như lực lượng kiểm lâm, lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở, công an xã, dân quân tự vệ và các lực lượng rộng rãi khác.

Nghiên cứu quy định về thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở cho phù hợp theo hướng là giao cho Chính phủ quy định chi tiết với các loại hình cơ sở; bổ sung quy định rõ hơn về xử lý tình huống khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn khi chưa có cơ quan chức năng; về bảo đảm điều kiện hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Cần quy định rõ hơn các yêu cầu bắt buộc bố trí phương tiện, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; cân nhắc về chi ngân sách quốc phòng, an ninh từ ngân sách địa phương quy định bởi các luật khác.

Nội dung giao cho Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm có nguy cơ cháy nổ cao; chính sách về huy động nguồn lực với hướng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cũng phải chịu một phần kinh phí của phòng cháy, chữa cháy. Việc này nên giao cho Chính phủ quy định mức phí cho cụ thể.

Về xử lý đối với cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, cần phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, chính quyền địa phương các cấp rà soát và có giải pháp phù hợp, có lộ trình và bảo đảm tính khả thi, thời điểm có hiệu lực của một số điều chuyển tiếp. Ngoài ra, đại biểu tham gia một số nội dung khác.

Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực đồng thời và triển khai trong thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có báo cáo tổng hợp để gửi đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình và trình với Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.

Thanh Trung (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay928
  • Tháng hiện tại43,634
  • Tổng lượt truy cập1,991,245
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây