Đại biểu Trần Hữu Hậu “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều”

Thứ hai - 04/11/2024 21:48 29 0

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, tại Tọa đàm: “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tìm kiếm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều” do Hiệp hội Điều Việt Nam phối hợp Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam của Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 28/10 vừa qua đã nêu một vướng mắc lớn là: Hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi để chế biến hàng xuất khẩu, sau khi kiểm dịch thực vật thì được đưa vào chế biến rồi xuất khẩu. Nếu xuất toàn bộ điều nhân thì là hoạt động bình thường nhưng nếu vì bất cứ lý do gì muốn chuyển điều thô hoặc điều nhân bán nội địa, dù xin nộp thuế và làm đầy đủ các nghĩa vụ tài chính cũng không được. Nếu cố tình bán trong nước có thể bị khởi tố tội buôn lậu. Và trong thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp bị khởi tố, nhiều người đã phải vào vòng lao lý.

Đại biểu Hậu cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì yêu cầu sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam.

Hiện nay, các nước Châu phi xuất khẩu điều thô cho Việt Nam đều chưa đăng ký và do đó chưa được đưa vào danh sách; đồng nghĩa với việc điều thô châu Phi và nhân điều sau chế biến không được tiêu thụ nội địa.

Theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là đúng và phù hợp thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đất nước, cho nhân dân; Việc truy tố, xét xử, bỏ tù doanh nhân và những người liên quan đem điều thô châu Phi và nhân điều chế biến bán trong nước là phù hợp với điều 188 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên với quy định Nghị định 15/2018/NĐ-CP đối với ngành “điều thì chưa phù hợp và đem đến những khó khăn và hậu quả không tốt cho ngành điều và đất nước.

Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu góp ý tại hội trường

Đại biểu Hậu đưa ra hai lý do chưa phù hợp và những khó khăn, hậu quả như sau:

* Chưa phù hợp vì: Điều thô nhập về phải qua kiểm dịch mới được đưa về nhà máy chế biến. Về nguyên tắc, chúng đã đáp ứng yêu cầu về Bảo vệ thực vật của Việt Nam. Nếu cần thiết, cơ quan chức năng có thể đưa ra thêm những yêu cầu và biện pháp kiểm tra phù hợp để đảm bảo hơn nữa yêu cầu này.

*Tác động không tốt thì nhiều nhưng rõ nhất là khi Doanh nghiệp nhập điều thô về nhưng gặp khó khăn hoặc bị đối tác hủy hợp đồng mua điều nhân nên không đưa vào chế biến hoặc chế biến rồi nhưng không bán được sẽ càng thêm khó khăn và có nguy cơ phá sản do điều tồn kho, chất lượng ngày càng giảm; vốn bị đọng, vẫn phải trả lãi cho Ngân hàng; từ đó, phải mang nợ xấu. Hệ quả là Ngân hàng thận trọng, khó khăn hơn trong việc cho vay nhập khẩu điều thô do rủi ro cao; nhiều ngân hàng không cho thế chấp bằng chính lô hàng nhập về do không thể phát mãi để thu hồi nợ khi cần. Điều này đã nh hưởng chung đến toàn ngành Điều.

Mặt khác, Doanh nghiệp phải tìm cách để xử lý lô hàng nhằm giảm bớt thiệt hại dẫn đến vừa khó khăn cho doanh nghiệp vừa phát sinh nhiều tiêu cực; cũng như khó khăn trong quản lý, xử lý của các cơ quan hữu quan. Nhà nước mất đi khoản thuế nhập khẩu. Và đau xót hơn là, mặc dù ngành Hải quan và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thông cảm, cố gắng vận dụng các quy định vào tình hình thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trong nhiều trường hợp vẫn phải khởi tố, phạt tù.

 Theo số liệu thống kê, trong gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu năm 2023 có đến trên 2,2 triệu tấn nhập từ các nước châu Phi; thị trường điều thế giới biến động thất thường và cạnh tranh ngày càng gay gắt….qua số liệu cho thấy: Nguy cơ vi phạm Nghị định 15/2018/NĐ-CP là rất lớn dù trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không muốn vi phạm pháp luật.

Qua phân tích những khó khăn, đại biểu Hậu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan đàm phán với các nước châu Phi để Họ làm thủ tục đăng ký Điều Thô là sản phẩm thực vật được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi chờ đàm phán, đại biểu Hậu kiến nghị Thủ tướng và các ngành hữu quan xem xét: Đơn phương chấp nhận cho điều thô nhập khẩu từ châu Phi và điều nhân chế biến, được làm các nghĩa vụ tài chính và chuyển bán trong nước với những yêu cầu chặt chẽ về kiểm định An toàn thực phẩm.

Đại biểu Hậu cũng cho biết thêm, theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương, sau khi được chế biến từ điều thô châu Phi nhập khẩu, nhân điều đủ điều kiện mang xuất xứ Việt Nam. Do đó đại biểu Hậu kiến nghị Thủ tướng và các ngành hữu quan xem xét, vận dụng quy định này để điều nhân được phép chuyển bán trong nước sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính với điều thô nhập khẩu.

Hơn 30 năm qua, ngành Điều Việt Nam đã làm nên kỳ tích, từ nước chỉ xuất điều thô với số lượng không lớn; phải nhập thiết bị, công nghệ chế biến Điều …. gần 20 năm nay Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới; chiếm gần 80% sản lượng toàn cầu, đem về hơn 3 tỷ Đô la cho đất nước mỗi năm; đồng thời, xuất khẩu dây chuyền – công nghệ chế biến điều tiên tiến đến nhiều nước trên thế giới.

Với kết quả đạt được nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ sâu sát, hiệu quả của các ngành, các cấp và đặc biệt của Thủ tướng chính phủ trong những việc làm cụ thể như trong vụ lừa đảo xuất khẩu 100 container điều sang Ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm cách hỗ trợ mà còn điện đàm trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Ý. Đồng thời, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Thủ tướng và các cơ quan hữu quan đã bảo vệ thành công các doanh nghiệp ngành Điều.

Vụ điều 2024 -2025 của Đông Phi đã bắt đầu. Đại biểu Hậu kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan hữu quan nhanh chóng xem xét, tháo gỡ vướng mắc theo hai nội dung đã nêu, bám sát hai quan điểm lớn mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phue đã nhiều lần nhấn mạnh là: “Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế” và “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.

Thanh Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay1,848
  • Tháng hiện tại69,388
  • Tổng lượt truy cập1,847,675
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây